Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ phải gấp rút thay đổi

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, thời gian áp dụng giám sát nhập khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào Mỹ rất gấp, gây khó cho DN xuất khẩu, song nhất định phải thay đổi.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng, việc Mỹ thông qua “Quy định cuối cùng” thay đổi quy trình, tiêu chuẩn giám sát chất lượng đối với cá tra, cá ba sa không chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam mà đối với tất cả các nước khác. Thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng như hệ thống quản lý Nhà nước Việt Nam.

Trước mắt, từ nay đến ngày 2/3/2016, Bộ NN&PTNT phối hợp với VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) gửi cho Mỹ danh sách các DN có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào Mỹ.

Ngoài ra, Bộ cung cấp các thông tin về các hệ thống luật pháp, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

Theo Bộ trưởng Phát, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa Việt Nam sẽ rất khó khăn, bởi thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp. Ảnh: Lê Dân.

"Trong khoảng thời gian này, chúng ta sẽ phải cung cấp các tư liệu để chứng minh rằng Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ. Đây là quan ngại lớn, bởi hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn 2 quốc gia đang có nhiều sự khác biệt", Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong quá trình xem xét, điều chỉnh, nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh mà phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học thì phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, thời gian tương đối gấp nên Bộ NN&PTNT đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra quy định mới đối với các nhà cung cấp cá tra vào thị trường này. Cụ thể, USDA yêu cầu giám định tại chỗ các trại nuôi và nhà máy chế biến cá tra.

Quy định dự kiến được áp dụng từ tháng 3/2016. Hoạt động giám định được thực hiện trong hơn 18 tháng, chia theo giai đoạn 3 tháng một lần cho tới khi USDA thông báo các sản phẩm cá tra xuất khẩu vào Mỹ đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng nhất.

Song trước đó, chiều ngày 22/4, tại buổi làm việc việc với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, ông Michael Froman, Đại sứ - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, khẳng định sẽ bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn Việt Nam.

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình giám sát cá da trơn

Trước việc Mỹ thông qua quy định mới giám sát cá da trơn, bên lề Hội nghị lần thứ 21 về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) ngày 2/12, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack. Bộ trưởng Phát đã nêu sự quan ngại của Việt Nam, cũng như thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Bộ trưởng Tom Vilsack khẳng định, việc triển khai quy định mới về cá da trơn của Hoa Kỳ sẽ không làm gián đoạn tới hoạt động xuất cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang nước này. Ông cũng cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ kỹ thuật, chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi để ít trục trặc nhất.

Mỹ siết cá tra: Nếu ảnh hưởng, Việt Nam có thể kiện

Đại diện Vụ châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) cho hay, nếu quy định mới của Mỹ gây thiệt hại kinh doanh, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt sang Mỹ có thể khởi kiện.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm