Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến thưởng Tết cho người lao động, dù đây là năm khó khăn bởi dịch Covid-19.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng để duy trì được việc làm và trả lương cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, còn thưởng Tết như mọi năm là điều "xa xỉ".
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn cố gắng đưa ra mức thưởng Tết hợp lý, thấp nhất là một tháng lương và hỗ trợ thêm các hoạt động khác cho người lao động.
Khó mấy cũng phải lo thưởng Tết
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam - cho biết doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động như thông lệ hàng năm ở mức 1,1. Tức công ty sẽ dựa vào mức lương của người lao động của tháng liền kề trước khi nghỉ Tết và nhân với 1,1 để thưởng cho người lao động.
Ông cho biết đợt dịch từ tháng 5 đến tháng 10 vừa qua khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó phải chi trả một khoản chi phí rất lớn để duy trì sản xuất như phí xét nghiệm, thuê khách sạn, thực hiện "2 địa điểm, 1 cung đường", "3 tại chỗ"...
"Hiện, đơn vị đã hoạt động trở lại khoảng 80% công suất. Mặc dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng cân đối tài chính để có thưởng Tết cho khoảng 5.000 lao động", Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam nói.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền. Ảnh: Chí Hùng. |
Tương tự, tình hình tài chính khó khăn do dịch Covid-19, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 - cũng cho biết năm nay dù chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể nhưng vẫn sẽ có thưởng Tết cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp.
"Như thường lệ hàng năm, thưởng Tết tại doanh nghiệp sẽ từ 2-3 tháng lương, kèm quà Tết. Năm nay, do lợi nhuận giảm, tình hình kinh doanh chịu tổn thất lớn nên chúng tôi dự kiến chi thưởng tối thiểu 1 tháng lương cho người lao động", ông nói và cho biết với những người có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm.
Lãnh đạo Công ty CP May Sài Gòn 3 thừa nhận năm nay để có thưởng Tết cho người lao động là cả sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp. Năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, đặc biệt ở TP.HCM gặp không ít khó khăn về tài chính. Từ chi phí sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", chi phí xét nghiệm Covid-19, cách ly đến đơn hàng chậm tiến độ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng vọt....
"Thưởng Tết không chỉ để động viên người lao động mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng đa số doanh nghiệp sẽ cố gắng có thưởng Tết cho người lao động", ông nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty du lịch ở Hà Nội cho biết năm 2021, ngành du lịch gần như tê liệt hoàn toàn, do đó thưởng Tết là một điều xa xỉ đối với người lao động trong ngành này.
"Chúng tôi đang rất cố gắng để tạo công ăn việc làm, giúp nhân viên duy trì thu nhập chứ không thể nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Người lao động cũng cần có sự chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hoành hành như năm nay", vị này nói.
Hiện, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất với 70-100% công suất. Ảnh: Chí Hùng. |
"Nên duy trì thưởng Tết để giữ chân lao động"
Trao đổi với Zing, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - cho rằng việc thưởng hay không là căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết.
"Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính", bà nhìn nhận.
Đặc biệt theo bà Hà, sau đợt dịch vừa qua người lao động đã có sự dịch chuyển về các địa phương, nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động thì sau Tết, sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động thì sau Tết, sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo đó, người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.
Dự kiến, nguồn tài chính công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Dương lịch năm 2021, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 2,34 triệu đồng/người, tăng 151% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2020 (0,93 triệu đồng/người). Mức thưởng Tết Dương lịch tăng là do nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động trong bối cảnh đời sống của người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng, tại doanh nghiệp dân doanh ở TP.HCM. Mức thưởng Tết cao tại các địa phương khác: Hà Nội là 400 triệu đồng, Đà Nẵng là 127 triệu đồng, Đồng Nai là 600 triệu đồng, Bình Dương là 497 triệu đồng...