Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp xin 3 năm vẫn chưa được 'chết'

Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi Luật thuế mới đã được nêu ra tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Cục thuế TP HCM ngày 19/3.

Trong đó, một số vướng mắc thuộc thẩm quyền được lãnh đạo Cục thuế trả lời và giải quyết ngay tại chỗ. Những vướng mắc thuộc quy định chung được cơ quan thuế ghi nhận và kiến nghị điều chỉnh.

Đáng chú ý tại buổi đối thoại là câu chuyện doanh nghiệp “xin chết” nhưng mất 2-3 năm vẫn chưa được giải quyết, lại đưa ra.

Đại diện Công ty tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, các chính sách giải thể doanh nghiệp được quy định rõ ràng. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều hồ sơ nộp xin được giải thể cả mấy năm trời vẫn chưa được giải quyết.

Theo đại diện này, công ty đang xử lý nhiều hồ sơ của doanh nghiệp muốn được giải thể, nhưng hơn 2-3 năm nay vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục, vì chi cục thuế không quan tâm, ngâm hồ sơ. Trong khi để giải quyết những doanh nghiệp không phát sinh doanh thu hay giải thể chi nhánh thì chỉ cần 30 phút.

Doanh nghiệp trao đổi với lãnh đạo Cục thuế tại buổi đối thoại - Ảnh: Như Bình

Sẽ rà soát lại 24 quận huyện

Bà Trần Thị Lệ Nga, phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, ghi nhận đây là ý kiến mà một số doanh nghiệp đã có đề cập bấy lâu nay. Rất nhiều doanh nghiệp giải thể muốn hoàn tất các thủ tục pháp lý một cách đúng quy định để được khóa mã số thuế. Nhưng thời gian giải quyết, đặc biệt thời gian kiểm tra quyết toán trước khi giải thể của cơ quan thuế rất lâu.

“Do áp lực công việc, nguồn nhân lực có giới hạn nên cơ quan thuế phải thực hiện theo kế hoạch đã lên. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp mất 2-3 năm vẫn chưa được cơ quan thuế kiểm tra để giải thể là khuyết điểm của cơ quan thuế. Để như vậy là quá lâu”, bà Nga nhìn nhận.

Để giải quyết tình trạng chậm giải quyết giải thể cho doanh nghiệp, ngay tại buổi đối thoại, bà Nga cũng đề nghị đại diện 24 chi cục quận, huyện rà soát lại những hồ sơ các doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu kiểm tra giải thể mà chưa được giải quyết. Các đơn vị này cần phải có phân công, bố trí kể cả tăng cường lực lượng để khóa mã số thuế cho người nộp thuế.

Theo bà Nga, trong giải thể, có những doanh nghiệp hoạt động đã lâu, có doanh thu, đã mua hóa đơn, hay cần thanh lý tài sản thì việc kiểm tra cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp mới thành lập chưa phát sinh doanh thu, không hoạt động hay mua hóa đơn của cơ quan thuế, thì trong thời gian rất ngắn có thể kết thúc hồ sơ này, không cần đi kiểm tra mà chuyển qua bộ phận khóa mã số thuế, hoàn tất thủ tục giải thể.

Phó cục trưởng Cục thuế cũng cho biết, trong cuộc họp với 24 chi cục sắp tới, Cục thuế sẽ có chỉ các đơn vị đạo rà soát lại ngay những đối tượng có làm đơn xin giải thể cần được kiểm tra ngay.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cũng băn khoăn về cách tính chi phí mà doanh nghiệp dành để phục vụ chăm lo phúc lợi cho người lao động.

Đại diện công ty Cổ phần Lúa Vàng, hỏi rằng liên quan đến chi phúc lợi theo nghị định 91 ra đời từ 11/2014, vậy những khoản chi phí phát sinh trước tháng 11/2014 đơn vị có được phép hồi tố hay không?

Bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, theo nghị định 91 và thông tư 151 các doanh nghiệp có chi những khoản chi mang tính phúc lợi cho người lao động thì đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế doanh nghiệp, với điều kiện tổng khoản chi phúc lợi không vượt quá 1 tháng lương tối thiểu bình quân của doanh nghiệp trong năm đó.

Thông tư 151 áp dụng cho cả kỳ tính thuế 2014, do đó khoản phúc lợi chi cho người lao động được đưa vào chi phí bắt đầu từ ngày 1/1/2014, cho dù thông tư có hiệu lực từ ngày 15/11/2014. Thông tư áp dụng hồi tố vì có lợi cho doanh nghiệp. Bà Nga cũng khẳng định năm 2015, khoản chi này tiếp tục được tính vào chi phí được trừ nên doanh nghiệp có thể yên tâm.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150319/doanh-nghiep-xin-chet-nhung-3-nam-van-chua-duoc-chet/722795.html

Theo N.Bình/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm