Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nỗi khổ 'không nói nên lời' của doanh nghiệp

Việt Nam đang phấn đấu lọt vào danh sách Asean 4 để trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư, song đó là chặng đường chông gai.

Những nỗi khổ của doanh nghiệp

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể tại hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay cải cách thể chế”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội, câu chuyện mà ông chứng kiến dịp Tết vừa rồi.

Một nữ giám đốc chủ 2 khách sạn ở Hà Nội chìa cho ông xem thiệp chúc mừng năm mới của lãnh đạo một quận. Song kèm theo đó, doanh nghiệp bị yêu cầu mừng tuổi 35 cán bộ của cơ quan này.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết 19 là bước đột phá về cải cách ở VN. Ảnh TG

Ông Doanh kể tiếp: Một lần, ông đi công tác ở tỉnh thì được chủ tịch huyện mời đi ăn cơm tối. Khi gần kết thúc, vị chủ tịch gọi mấy doanh nghiệp đến, rồi bảo: “Đến phần này (thanh toán), các cậu giải quyết đi!” trong sự ngơ ngác của các doanh nghiệp, và bẽ bàng của khách mời.

Nhiều doanh nghiệp cũng kể với ông Doanh, họ bị chính quyền tỉnh yêu cầu góp tiền cho tỉnh tổ chức đoàn đi khảo sát nước ngoài, hoặc tổ chức đi nghỉ mát.

Ông Doanh cho rằng, trong bối cảnh Nhà nước nâng giá điện, nâng phí môi trường, phí đường cao tốc, và các thủ tục hành chính rườm rà, doanh nghiệp vẫn phải bôi trơn như thế thì họ cạnh tranh sao nổi.

Ông nói: “Đó là tham nhũng… Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật đó để điều chỉnh không thì không tiến thêm được”.

Hội nghị do VCCI tổ chức là nhằm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành ngày 12/3 vừa qua. Nghị quyết này đặt mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Và năm 2016, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

Theo đó, thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm; thời gian nộp BHXH không quá 49,5 giờ/năm; thời gian hàng hóa nhập khẩu qua biên giới tối đa là 13 ngày với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày với hàng hóa nhập khẩu; thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa là 6 ngày. Những chỉ tiêu này thuộc báo cáo Doing Business, do Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm.

Quyết tâm cải cách

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tỏ ra rất phấn khích với các chỉ tiêu này: “Chúng ta đều thống nhất đây là cải cách có tính đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chúng ta đặt mình vào cuộc đua quốc tế, chấp nhận sự đánh giá của quốc tế với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chúng ta đã giải phẫu nền kinh tế Việt Nam bằng bác sĩ Tây chứ không phải ta”.

Ông Lộc nhận xét, Nghị quyết 19 lượng hóa các chỉ tiêu bằng 20 con số cụ thể để so với Asean. Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp: “Chúng ta hãy quên các ngôn từ đi, chỉ nhớ đến 20 con số này để giám sát các bộ, ngành”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau một năm đưa dự án hải quan điện tử vào thực hiện từ tháng 4/2014, đến nay có 98% tờ khai, hay 98% kim ngạch xuất, nhập khẩu đã được thông quan qua hệ thống tự động này.

Từ 1/1/2015, theo quy định, không cho phép thông quan bằng giấy mà phải bằng điện tử.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, 34% số hàng hoá khi thông quan phải kiểm định chất lượng nên cần sự phối hợp của bộ, ngành khác, và nỗ lực của ngành hải quan là không đủ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết thêm, 84% tờ khai liên quan đến quản lý chuyên ngành; trong khi văn bản của các ngành quy định rất khác nhau. 

Ông nói: “Thời gian thông quan của cơ quan hải quan sẽ phụ thuộc vào các văn bản này. Chúng tôi đề nghị (Việt Nam) công nhận những gì quốc tế đã làm (đã kiểm tra chất lượng hàng hóa), chứ không nên kiểm tra lại”.

Ông đề nghị, các cơ quan chuyên ngành ủy quyền cho cơ quan hải quan, hoặc xã hội hóa để rút ngắn thời gian, chứ không để doanh nghiệp phải đợi cơ quan chuyên ngành cử người đến làm kiểm tra.

“Tôi đề nghị việc quản lý phải thay đổi, không nên quản lý trên cơ sở nghi ngờ”, ông nói.

Thứ trưởng Tuấn cho biết thêm, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ một đề án xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá tai chỗ tại các địa phương, như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Lạng Sơn, Lào Cai,…

“Chúng tôi phấn đấu làm sao đến cuối 2015 giảm 5% thời gian kiểm tra hiện nay”, ông Tuấn nói.

http://www.thesaigontimes.vn/127858/nhung-noi-kho-%22khong-noi-nen-loi%22-cua-doanh-nghiep.html/

Theo Tư Hoàng/ Kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm