Doanh nghiệp xây 'Đồng Xanh' giữa KCN
Nhà thuê với giá 1,2 triệu có Internet, truyền hình cáp miễn phí, kèm trông trẻ giá 1 triệu/tháng, KCN Hiệp Phước đang xây hình mẫu cho cuộc sống công nhân.
Anh Nguyễn Văn Nam (34 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, hai vợ chồng cùng quê, lên khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước-TP HCM xin làm công nhân tại một công ty cổ phần trong KCN này. Hai vợ chồng thuê nhà lưu trú, loại phòng 25m2 với giá 1,2 triệu đồng/tháng ở lầu 3. Con thì gửi ngay dưới tầng trệt với chi phí hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.
Vợ chồng anh tháng nào tăng ca nhiều cũng kiếm được gần 10 triệu đồng. Trừ hết chi phí thuê nhà, gửi con tổng cộng 2,2 triệu đồng, ăn uống xong cũng còn dư chút đỉnh gởi về quê cho cha mẹ. Lâu lâu cha mẹ ở quê lên thăm cũng có chỗ đàng hoàng tiếp đón.
“Cái sướng nữa là nếu trước đây tui thuê phòng trọ ngoài, mỗi tháng hết 2 triệu đồng mà lại nhỏ hẹp, hôi hám, giờ thuê nhà lưu trú, giá rẻ gần phân nửa mà lại sạch sẽ, an ninh. Chưa nói, được làm gần nhà nên tranh thủ giờ nghỉ trưa có thể tạt về thăm con tại nhà trẻ ngay dưới tầng trệt”, anh Nam hồ hởi.
Con công nhân KCN Hiệp Phước đang gửi ở trường mẫu giáo Đồng Xanh. |
Chị Đào Thị Ngọc Giàu, nhân viên phòng hành chính công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, cho biết cũng gởi con gái hai tuổi ở nhà trẻ Đồng Xanh.
“Sáng tôi đi làm, đưa con vào trường rồi đi bộ sang công ty. Chiều hết giờ hai mẹ con cùng về. Chỉ tiếc KCN chưa có trường tiểu học nên cháu gái lớn học lớp 4 phải gửi ngoài, chứ có luôn trường ở đây thì đỡ biết mấy”, chị Giàu nói.
KCN Hiệp Phước (xã Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) hiện có 82 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 8.000 công nhân. “An cư mới lạc nghiệp”, cách đây bốn năm, nơi này đã tự bỏ vốn xây hai block nhà lưu trú với tầng trệt, lửng và bốn lầu để cho công nhân thuê. Phòng nhỏ nhất 25m2 giá thuê 1,2 triệu đồng, phòng lớn nhất 50m2 có giá 2 triệu đồng/tháng. Trong phòng trang bị đầy đủ quạt, giường, tủ, hệ thống điện thoại… và đặc biệt có Internet, truyền hình cáp miễn phí. Hai dãy nhà này đáp ứng 1.100 chỗ ở công nhân, nhưng mới chỉ đủ cho 1/8 nhu cầu nên công nhân “tranh nhau” vào. Cách đó không xa, có khu sinh hoạt văn hoá, siêu thị… cho công nhân.
Năm ngoái, chủ đầu tư lại bỏ tiền xây trường mầm non mang tên “Đồng Xanh”, lấy ngay tầng trệt nhà lưu trú làm chỗ. Sau khi có trường, chủ đầu tư chuyển giao cho phòng Giáo dục đào tạo huyện Nhà Bè làm trường công lập, thu học phí theo giá nhà nước, với cam kết chỉ nhận con công nhân. Song diện tích còn khiêm tốn, chỉ 640m2 nên cũng chỉ đáp ứng được 150 trẻ.
TP.HCM hiện có 13 khu chế xuất (KCX) – KCN với 260.000 công nhân đang làm việc, 70% công nhân có con trong tuổi đến trường, nhưng chỉ KCN Hiệp Phước có trường mầm non. Dự báo, đến năm 2020, sẽ có 500.000 công nhân làm việc trong các KCX – KCN, lúc đó nhu cầu trường học sẽ vô cùng cần thiết. Nhưng, xem ra việc tìm đất xây trường cho con công nhân vẫn còn là chuyện… xa vời.
Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM (Hepza) vừa đề xuất và được Uỷ ban Nhân dân TP.HCM chấp thuận cho lấy bớt 20ha đất dùng trồng cây xanh trong các KCX – KCN để xây mỗi nơi một trường. Nhưng, bắt tay vào lại… bế tắc. Bởi, có nơi thì diện tích này còn lại quá nhỏ không đủ điều kiện xây trường. Nơi còn đủ đất thì lại vướng thủ tục, thiếu vốn...
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM đã cho phép chủ đầu tư được triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án trong khi chờ vốn. Hy vọng sự “cởi trói” này sẽ thúc đẩy ba dự án xây trường đang “giậm chân tại chỗ” ở KCX Linh Trung 1, KCX Tân Thuận và KCN Vĩnh Lộc sớm đi vào hoạt động.
Doanh nghiệp tự xoay
Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM) xây nhà trẻ giữ được 200 cháu, công ty còn hỗ trợ 250.000 – 300.000 đồng/cháu/tháng cho công nhân gửi con. Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) có gần 80.000 công nhân, trong đó 81% nữ (khoảng 64.000 công nhân nữ). Công ty bỏ ra 2 triệu USD (hơn 40 tỉ đồng) xây trường mầm non với 36 phòng học, đáp ứng nhu cầu giữ 2.000 trẻ. Trường đã cơ bản hoàn thành nhưng còn vướng thủ tục do đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và trong giấy chứng nhận đầu tư không có chức năng “kinh doanh giáo dục”. |
Theo Sài Gòn Tiếp Thị