Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Mary Ng. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada ở TP.HCM. |
Trong khuôn khổ phái đoàn thương mại Canada đến Việt Nam ngày 27-29/3, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Mary Ng đã gặp gỡ cán bộ Cục Hải quan TP.HCM và các doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước dựa trên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển quan hệ xuất nhập khẩu của Việt Nam - Canada với nhiều thành tựu ấn tượng. Tiêu biểu, thương mại hàng hóa hai chiều giữa Canada và Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ đô la Canada (khoảng 10,3 tỷ USD).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada chiếm hơn 13 tỷ, theo số liệu của Cán bộ cấp cao về Chính sách Thương mại Bộ ngoại giao Canada.
Dẫu vậy, theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để lợi thế mà Hiệp định mang lại.
Doanh nghiệp Việt thất thoát hàng tỷ USD
Tham tán thương mại cho biết sau 5 năm thực hiện Hiệp định CPTPP và các cuộc đối thoại về cách áp dụng Hiệp định, Việt Nam đã xuất khẩu 25 mặt hàng sang Canada với chủ lực là hàng da giày, dệt may, điện tử...
Trong các năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Canada trung bình ở mức 10 tỷ USD. Trong đó, hơn 9 tỷ là giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada. Ảnh: Đông Tùng. |
Tuy nhiên, bà Quỳnh đánh giá tỷ lệ này vẫn còn thấp vì các doanh nghiệp Việt chưa khai thác được nguyên tắc trung chuyển và xuất xứ khi vẫn phải thông qua Mỹ để vận chuyển hàng hóa sang Canada.
Cụ thể, trong 10 tỷ USD kim ngạch thì chỉ có 18% tận dụng Hiệp định CPTPP để xuất khẩu, còn lại sử dụng quy chế Tối huệ quốc MFN và Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP.
"Vấn đề Việt Nam đã gia nhập CPTPP mà vẫn sử dụng hai cơ chế ưu đãi khác đã làm thất thoát đến 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu địa bàn do không khai thác được ưu đãi về thuế. Chưa kể, đến tháng 12 năm nay, Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế nhờ Hệ thống GSP", bà Quỳnh phân tích.
Cũng theo bà, điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu Việt Nam ở Canada. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bán đắt hơn 10-18% so với các đối thủ như Indonesia hay Campuchia.
Ví dụ, đối với hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại Canada là da giày và dệt may, các doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế là 5-18%. Ngược lại, nếu sử dụng Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp sẽ được miễn thuế. Mặt khác, địa bàn trung chuyển CPTPP cũng rộng hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do khác.
Qua đây, bà Quỳnh hy vọng phái đoàn thương mại Canada và Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đến nguyên tắc trung chuyển cũng như nguyên tắc xuất xứ, ví dụ như xuất xứ cộng gộp, trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa để mang lại lợi ích song phương.
Hiệp định "tiêu chuẩn vàng"
Nhìn nhận thực tế xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Canada, bà Mary Ng, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada nhận xét: "Việt Nam là cánh cửa để Canada tiến vào ASEAN khi là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại khu vực này".
Bà ước tính Canada có hàng nghìn doanh nhân Canada gốc Việt đóng vai trò cầu nối cho mối quan hệ hai nước. Việt Nam và Canada cũng vừa kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao và 30 năm trở thành đối tác thương mại.
Phái đoán thương mại Canada với hơn 170 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến Việt Nam lần này cũng nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác song phương của Việt Nam - Canada.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Hải quan TP.HCM cùng các đại diện phía Canada. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Canada ở TP.HCM. |
Cán bộ cấp cao về Chính sách Thương mại Bộ ngoại giao Canada cũng xác định CPTPP là một hiệp định "tiêu chuẩn vàng" giúp gia tăng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, với tư cách là Chủ tịch CPTPP, Canada sẽ đảm bảo các nước thành viên có quyền tiếp cận ưu tiên trong thương mại và môi trường kinh doanh thuận lợi về dịch vụ, đầu tư, mua sắm công... Đồng thời, các nước thành viên cũng được đảm bảo về sự minh bạch của các quy tắc và tiêu chuẩn CPTPP.
Bà Trần Thu Quỳnh phân tích thêm rằng Canada và Việt Nam cũng có thể tận dụng CPTPP để khai thác tiềm năng về nông nghiệp của Canada. Cụ thể, Việt Nam có thể nhập khẩu các nguyên liệu nông nghiệp, gỗ - vốn là những mặt hàng "mũi nhọn" của Canada - để phát triển lĩnh vực chế biến thực phẩm, nội thất...
Doanh nghiệp Việt có cơ hội trò chuyện trực tuyến với chuyên gia của Canada. Ảnh: Đông Tùng. |
Để phát huy những tiềm năng còn bỏ ngỏ của Hiệp định CPTPP, bên cạnh sự phối hợp khu vực công - tư, hải quan hai nước nhất trí tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Hải quan TP.HCM, cho biết hàng hóa nhập khẩu vào Canada có đầy đủ chứng từ vận tải và tờ khai hải quan theo quy định sẽ được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi.
Cơ quan Biên mậu Canada cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt bằng cách đưa vào vận hành hệ thống quản lý doanh thu và đánh giá hải quan (CARM) từ tuần này. Một số lợi ích khi tham gia hệ thống này là nộp tờ khai xuất nhập khẩu tự động, quản lý doanh thu, thuận tiện thực hiện giao dịch không phụ thuộc địa điểm và thời gian...
Với tất cả quyền lợi kể trên, phái đoàn thương mại Canada và doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích quan trọng, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất hơn.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.