Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Việt 'nóng mặt' vì không làm nổi ốc vít

Vẫn không có doanh nghiệp nào khẳng định làm được ốc vít theo tiêu chuẩn Samsung. Hàng loạt lý do, khó khăn và đề xuất được đưa ra để hàng VN tiến lên được đẳng cấp thế giới...

Đó là nội dung tại Diễn đàn bàn về việc VN không làm nổi con ốc vít cho Samsung được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây.

Công nghệ lạc hậu, không giám sát chất lượng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng việc Samsung công bố gần 170 linh kiện, như ốc vít, sạc pin và nêu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được không phải là cá biệt. Bởi vì Canon, hay trước đây là Sony cũng chỉ có thể sử dụng doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm bao bì... Ông Lộc công nhận thông tin trên đã đụng đến lòng tự ái. Nên cần bàn thảo kỹ nguyên nhân và đưa giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới.

Theo ông Lộc, thời gian vừa qua nguyên nhân sâu xa là môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực bình đẳng, nhiều doanh nghiệp không nhất thiết đầu tư vào công nghệ, quản trị nhưng vẫn cạnh tranh được nhờ vào mối quan hệ. Chừng nào còn tình trạng đó, theo ông Lộc, sẽ khó cho đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KHCN, thừa nhận phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đang dùng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình thế giới 2-3 thế hệ.

Nhóm doanh nghiệp có trình độ tiên tiến chỉ 12%, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. 88% còn lại thuộc trung bình, lạc hậu. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ chỉ dưới 0,5% doanh thu, trong khi hàn Quốc là 10% - gấp khoảng 20 lần. Việt Nam nhập máy móc về đổi mới công nghệ nhưng theo ông Thanh, nguồn gốc lại chủ yếu từ... Trung Quốc.

Dù pháp luật hiện hành bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải trích thu nhập tính thuế vào quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng rất ít doanh nghiệp thành lập.

Dây chuyền sản xuất của Samsung Thái Nguyên. Vẫn rất ít doanh nghiệp VN tham gia được vào chuỗi cung ứng cho Samsung, chủ yếu chỉ cung ứng được bao bì.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV cũng chỉ thẳng nguyên nhân: khi làm sản phẩm Smart home, đặt hàng các doanh nghiệp phụ trợ trong nước thì lúc đầu họ hào hứng. Nhưng khi đem đến thì có hàng chục lỗi. Đem về sản xuất lại, vẫn chỉ ra được cả chục lỗi. Kết quả, thay vì đi đặt, Bkav phải tự đầu tư làm nhà máy cơ khí. “Doanh nghiệp Việt Nam thường làm không đến nơi đến chốn”, ông Thắng nói.“Với tình hình như thế, khó có khả năng cạnh tranh, khó tồn tại bền vững trên thị trường nội địa, chưa nói thế giới”, ông Thanh nói.

Trần Đăng Thái, một nhân viên kỹ thuật cũng góp ý: “cháu đã từng làm ở cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Tại sao không làm được, cháu thấy Việt Nam không quản lý chất lượng sản phẩm dù áp dụng mô hình quản lý của Nhật. Giờ công nghệ ta thua Campuchia, họ làm được ô tô, ta có làm được đâu”...

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu doanh nghiệp thuộc VCCI khẳng định năng lực nhận thức của Việt Nam thì không nghi ngờ, thi quốc tế thường giải cao là ví dụ. Nhưng khi tham gia mạng lưới toàn cầu, ốc vít Việt Nam không biết lắp vào đâu. Bàn tay tài hoa người thợ Việt Nam không tham gia được vào các chi tiết đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Ông Quân nêu một ý khác là các nhà sản xuất lớn rất khôn ngoan khi viện dẫn những áp lực từ thị trường để từ chối doanh nghiệp Việt Nam.

Ốc vít Samsung hay phở Việt?

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải cứ sản xuất được ốc vít hay sạc pin cho Samsung, Canon mới là đẳng cấp.

Phải liên kết với nhau để làm...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu sản phẩm Việt không có đẳng cấp quốc tế sẽ ngày càng thu hẹp thị phần. Theo ông Phong, muốn làm được con ốc vít, hay sản phẩm đẳng cấp quốc tế, ngoài việc phải có công nghệ, mẫu mã, quy trình giám sát chất lượng thì cần cả quản lý nhà nước, tư duy, thể chế... cũng ở tầm quốc tế...

Người Việt ra nước ngoài đều thấy không thua người nước ngoài. Plappy bird đã đạt chuẩn quốc tế. Khó khăn ta chưa có tư duy, thể chế tầm quốc tế, chưa có thị trường công nghệ thuận lợi cho doanh nghiệp...

Lấy ví dụ có người Việt Nam  làm tàu ngầm bán được cho nước ngoài, ông Phong cho rằng phải coi họ là báu vật, nhưng thể chế ta vẫn... để họ ở ngoài. “Cần có bộ máy tốt hỗ trợ công nghệ, phát triển tập đoàn tư nhân, tạo cơ hội bình đẳng về vốn cho những người có sáng kiến”, ông Phong nói. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch công ty Thăng Long Teach tự đứng dậy “cướp diễn đàn” nêu khi thấy có thông tin không làm nổi con ốc vít cho Samsung thì doanh nghiệp ngạc nhiên, tự ái.

Nhưng ông Tuấn công nhận trước ta tư duy cái gì cũng làm được. Thực tế, sau mở cửa ta hầu như Việt Nam không làm được cái gì. Tuy nhiên, ông Tuấn nêu thực tế Việt Nam trải thảm đỏ ưu đãi những doanh nghiệp nước ngoài như Samsung những thứ không bao giờ doanh nghiệp Việt Nam dám... mơ.

Giải pháp, theo ông Tuấn, doanh nghiệp nên tự cứu mình, đừng chờ chính sách, đừng chờ nhà nước ép Samsung: Thay vì độc lập, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, để tham gia chuỗi. 

PGS. TS. Tạ Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân nêu các mô hình, các nước đều hoạch định chiến lược như Hàn Quốc lấy ngành điện tử mũi nhọn, hỗ trợ mạnh; Đài Loan chọn tham gia chuỗi, không làm sản phẩm cuối cùng, nhưng điện thoại Iphone họ có phần giá trị gia tăng lớn. Trong khi đó, theo ông Lợi, tại Việt Nam, doanh nghiệp và cơ quan chức năng vẫn như hai bánh răng chạy hai hướng. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết đã đề nghị Samsung giúp tạo ra những nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo ông Lộc, Việt Nam cần hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp của mình...

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141102/chua-lam-duoc-con-oc-vit-co-ly-do-the-che/666442.html

Theo C.V.Kình/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm