Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nghiệp Việt cứ nghe kiện là hoang mang'

Trong khi doanh nghiệp Việt chật vật đối phó với các vụ kiện bán phá giá, phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì thị trường trong nước bị hàng ngoại chiếm lĩnh.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, gần đây, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất đi các nước bị đe dọa kiện bán phá giá, bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê của Cục quản lý cạnh tranh cho thấy, nếu giai đoạn trước năm 2005, số vụ kiện chống bán phá giá chỉ 14 vụ thì từ 2005 đến tháng 10/2015 có tới 44 vụ, riêng từ đầu năm 2015 đến nay đến 14 vụ.

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, để bảo vệ sản xuất nội địa, tất cả các thị trường từ Mỹ, EU đến các nước trong khu vực Đông Nam Á đều “tích cực” trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xu hướng khởi kiện không chỉ đơn lẻ từng thị trường mà kiện chùm (nhiều nước cùng khởi kiện); kiện theo hiệu ứng domino và kiện kép, tức kiện đồng thời cả chống bán phá giá và trợ cấp, dễ dẫn đến nguy cơ đánh trùng thuế.

Đặc điểm các vụ kiện nhằm vào top mặt hàng, thị trường xuất khẩu chủ lực, mặt hàng sử dụng nhiều lao động, sản xuất đồng loạt, giá trị gia tăng không cao. Bất lợi là hàng hóa Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá thường bị gắn với hàng hóa xuất khẩu cùng loại của một số nước có kim ngạch lớn hơn.

Thép là mặt hàng đã phải đối diện với nhiều các vụ phòng vệ thương mại. Ảnh: N.Ý.

Nguyên nhân của việc này là quá trình tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng. Ngoài ra, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước cũng ngày càng tăng.

Khi bị kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt chật vật đối phó, năng lực cạnh tranh giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, nguy cơ mất thị trường lớn. Song khi doanh nghiệp quay về trong nước thì hàng hóa các nước đã chiếm lĩnh.

Điển hình với mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, hàng Trung Quốc, Thái Lan chiếm lượng lớn nhưng họ bán giá nào, cạnh tranh ra sao cũng không ai để ý. Doanh nghiệp Việt cùng ngành dù có thiệt hại đến đâu cũng không tự vệ, lên tiếng, mà ráng chịu.

“Trong suốt 13 năm, từ 2002 đến nay, trong khi doanh nghiệp Việt chịu cả trăm vụ kiện chống bán phá giá từ các thị trường ngoại thì chúng ta chỉ thực hiện 4 vụ chống bán phá giá, phòng vệ thương mại với hàng nước ngoài”, ông Nam cho biết.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng, doanh nghiệp Việt bị "khớp" khi nghe từ kiện, khởi kiện và điều tra. Cứ nghe kiện là hoang mang, e ngại, nghĩ đến tố tụng, dù bản chất đây là một vấn đề hành chính.

Ông Thanh chia sẻ, năm ngoái, Australia khởi xướng một vụ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mặt hàng tôn kẽm nhập khẩu từ Việt Nam. “Chúng tôi cử bộ phận đại diện trả lời bản câu hỏi của cơ quan điều tra Australia. Sau đó thương vụ nước này sang thẩm tra số liệu tại doanh nghiệp chúng tôi, cũng mất gần 1 năm. Và kết quả nhận được là Hoa Sen không bán phá giá, không vi phạm các quy định của WTO. Đó là minh chứng mà tôi muốn chia sẻ để các doanh nghiệp thấy, mình cứ đối mặt với các vụ phòng vệ thương mại của nước ngoài và sẵn sàng kiện để bảo vệ sản xuất của mình, không nên e ngại”, ông Thanh nói.

Cũng theo vị này, hiện Thái Lan cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với tôn lạnh và tôn màu của Việt Nam. Với kinh nghiệm kháng kiện của mình, ông Thanh cho rằng, doanh nghiệp không phải vất vả hay e ngại trong việc tham gia các yêu cầu điều tra.

Các doanh nghiệp Việt mải mê tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và "nhường" thị trường nội địa cho hàng ngoại. Ảnh minh họa: N.Ý.

Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong hội nhập tổ chức sáng nay, các doanh nghiệp cùng nêu quan điểm phải cấp bách bảo vệ sản xuất trong nước.

Bà Thanh Hương, đại diện Công ty phân bón và hóa chất dầu khí, cho rằng, thị trường nội địa đang bị đe dọa nghiêm trọng. Sau gia nhập WTO, gần đây là hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương được ký kết, mà mới nhất là TPP. Thị trường mở cửa, thuế quan giảm, hàng hóa các nước sẽ tràn vào Việt Nam và cạnh tranh gay gắt. Để bảo vệ sản xuất trong nước, doanh nghiệp Việt không được thụ động, đừng nghĩ cùng lắm mới kiện.

“Doanh nghiệp phải liên kết nhau, buôn có bạn bán có phường, anh sống tốt tôi sẽ sống khỏe. Từ trước đến nay chúng ta vốn quen và chấp nhận chuyện một doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh rồi kéo cả ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng. Điều tôi muốn nói nữa là doanh nghiệp Việt phải làm sao để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đừng đánh mất thị trường nội địa vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Các ngành đang đối diện nguy cơ nhất là thép, sợi, giấy, nhựa, nếu không phòng vệ là thua ngay trên sân nhà”, ông Nam nói.

Một điều khiến các doanh nghiệp lo lắng là hiện nay, từ cơ quan chuyên môn đến hiệp hội, doanh nghiệp vẫn còn “mù mờ” chuyện phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp khi đối diện kiện thì ngại chi phí thuê luật sư lớn, tham gia xử lý các vấn đề liên quan phức tạp, kéo dài, sợ kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng.

“Các nước coi chuyện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một chiến lược đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Trong khi mình lại coi đó là chi phí bất thường và tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp nên thấy rất đắt. Hãy coi đây là chi phí quảng cáo, marketing doanh nghiệp sẽ thấy 'rẻ' và cần thiết đầu tư”, ông Thanh nói thêm

 “Để đối phó với hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, chúng ta có 3 biện pháp, là hàng rào thuế quan, các biện pháp kỹ thuật và phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, với những nước mà Việt Nam xuất siêu như Mỹ thì càng không có cớ để ‘trả đũa’ với biện pháp kỹ thuật. Do vậy, phòng vệ thương mại là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay mà các nước đều áp dụng”.

 

 

H. Linh

Bạn có thể quan tâm