Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Doanh nghiệp và bài toán tiếp cận hơn 400.000 tỷ vốn tín dụng

Sau khi NHNN nới room tín dụng, dự kiến tổng dư nợ các ngân hàng có thể cho vay ròng trong tháng 12 lên tới hơn 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không dễ để giải ngân hết số dư này.

Làm hồ sơ đề nghị vay vốn từ đầu tháng 11 nhưng mới đây, khoản vay 3 tỷ đồng phục vụ mục đích kinh doanh của anh Đào Công Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) mới được ngân hàng giải ngân lần đầu. Trong khi đó, hồ sơ vay vốn mới thực hiện từ đầu tháng 12 với tài sản đảm bảo đầy đủ, mục đích vay vốn rõ ràng, vẫn đang phải chờ thêm.

Nguyên nhân được phía ngân hàng đưa ra là đang ưu tiên giải ngân các hợp đồng vay vốn còn tồn đọng từ trước. Với những hợp đồng vay vốn mới, đến nay vẫn phải chờ phía hội sở cấp thêm room tín dụng cho chi nhánh.

“Nhân viên tín dụng cho biết hiện tại nhu cầu vay vốn của khách hàng rất cao, trong khi room tín dụng được cấp thêm phân bổ ra các chi nhánh theo các mức khác nhau, dẫn tới trường hợp có chi nhánh được giao thêm nhiều room nhưng cũng có chi nhánh được giao thêm ít”, anh Hùng phân trần.

Tương tự, anh Nguyễn Xuân Tú (Thanh Xuân, Hà Nội), vẫn đang chờ ngân hàng giải ngân cho khoản vay 1,2 tỷ đồng mua nhà. Theo anh Tú, các giấy tờ, thủ tục liên quan hồ sơ vay vốn đã được hoàn tất và gửi cho ngân hàng từ đầu tháng 12, nhưng đến nay anh vẫn chưa được giải ngân.

ngan hang nha nuoc,  nhnn,  room tin dung,  noi room anh 1

Sau khi được NHNN nới room tín dụng, các ngân hàng có thể cho vay ròng ra nền kinh tế 400.000 tỷ đồng trong tháng 12. Ảnh: Chí Hùng.

Cho vay 400.000 tỷ một tháng không dễ

Thực tế, dù NHNN đã quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm nay từ mức 14% lên 15,5-16%, việc giải ngân cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra khá chậm.

Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết ngân hàng ông không nằm trong nhóm được nới room đợt này, vì phần hạn mức tín dụng được NHNN giao trước đó vẫn chưa dùng hết.

Vị này cho biết việc NHNN nới room tín dụng thời điểm này là cần thiết và là điều kiện để ngân hàng có dư địa để cho vay ra nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nới room không đồng nghĩa với việc giải ngân cho vay được tiến hành nhanh chóng, bởi các ngân hàng cũng đang gặp khó trong vấn đề thanh khoản không dồi dào.

Theo vị này, đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt xấp xỉ 12%, không phải mức tăng quá cao so với mọi năm, nhưng tăng trưởng huy động cùng thời điểm chỉ đạt dưới 5%. Điều này khiến chênh lệch huy động - cho vay đã xuống mức âm tương đối lớn, tạo áp lực về vốn cho các ngân hàng.

“Những năm trước thanh khoản được hỗ trợ một phần nhờ dòng tiền NHNN bơm ra thông qua hoạt động mua ngoại tệ. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, áp lực tỷ giá USD/VNĐ khiến cơ quan quản lý liên tục phải bán USD và thu tiền VNĐ về, kết quả là khối lượng tiền Đồng trong nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng đã giảm xuống”, vị lãnh đạo ngân hàng phân tích.

Đây cũng là lý do từ tháng 9 đến nay, cả khi NHNN chưa nới room tín dụng, các ngân hàng đã liên tục phải tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền từ cư dân, cũng như tăng cường các hoạt động vay vốn nước ngoài.

SỐ DƯ CHO VAY VÀ TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG
Số liệu tính đến cuối tháng 9 trên báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ. Nguồn: BCTC; Tổng hợp.
Nhãn BIDV VietinBank MBBank ACB Techcombank SHB VPBank HDBank LienVietPostBank VIB SeABank OCB
Cho vay khách hàng tỷ đồng 1461226 1234780 400109 397016 395529 356422 321081 229838 227944 226153 146747 113587
Tiền gửi của khách hàng
1399665 1187169 380791 392611 321200 337174 276600 207781 193533 189165 113349 98292
Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng % 104 104 105 101 123 106 116 111 118 120 129 116

Theo quy định của NHNN, các ngân hàng phải thực hiện cho vay dựa trên tỷ lệ phần vốn huy động được. Trong đó, tổng dư nợ cho vay/tổng huy động vốn (LDR) tối đa là 85%, tương đương với việc ngân hàng phải huy động được 100 đồng mới được cho vay tối đa 85 đồng.

Theo lý thuyết, phần dư nợ cho vay và huy động vốn để tính hệ số LDR bao gồm nhiều nguồn vốn, cho vay khác nhau, nhưng nếu tính riêng hoạt động huy động - cho vay trên thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng doanh nghiệp, cư dân), hệ số này tại nhiều nhà băng đã vượt mốc 100%.

Báo cáo tài chính riêng quý III của 27 ngân hàng niêm yết cho biết đến cuối tháng 9, khoảng 60% nhà băng ghi nhận tỷ lệ cho vay/huy động vốn vượt 100% trên thị trường 1. Trong đó, có nhiều nhà băng quy mô trung bình và lớn như SeABank (129%); Techcombank (123%); VIB (120%); LienVietPostBank (118%); MSB (117%); VPBank (116%). Trong khi các nhà băng khác như OCB, HDBank, SHB, MBBank, BIDV, VietinBank, ACB… đều đạt trên 100%.

Tỷ lệ cho vay/huy động trên thị trường 1 ở mức cao cho thấy các ngân hàng đang gặp khó trong việc huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp, trong khi nhu cầu cho vay ra lại rất cao.

Áp lực vốn đầu vào

Chia sẻ dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán DSC, cho biết việc nới room tín dụng của NHNN tạo điều kiện về mặt tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng thương mại, nhưng các đơn vị này lại gặp khó khi tăng trưởng huy động chậm lại.

Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được NHNN hỗ trợ thông qua các giao dịch mua kỳ hạn giấy tờ có giá trên thị trường mở. Tuy nhiên, các giao dịch này mang khối lượng không quá lớn trên lập trường kiểm soát lạm phát.

Theo số liệu của Chứng khoán SSI, chênh lệch huy động vốn - cho vay của ngành ngân hàng giảm liên tục từ năm 2021 và đã rơi xuống mức âm từ giữa năm 2022.

Đến cuối tháng 9, mức chênh lệch này đã vào khoảng âm 200.000 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm nghìn tỷ đồng được NHNN hút về thông qua bán USD giao ngay.

Các chuyên gia tại đây cho rằng việc NHNN nới room thêm 1,5-2% trong tháng cuối năm, cùng với phần hạn mức chưa sử dụng hết trước đó, tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng có thể cho vay trong tháng 12 lên tới hơn 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng cũng là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.

Chia sẻ về quyết định nới room tín dụng gần đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh điều quan trọng khi có thêm room tín dụng là ngân hàng phải chủ động huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay.

Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và sẵn sàng tạo điều kiện về nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng để cung ứng vốn ổn định, đảm bảo nhu cầu các dự án cần thiết hiện nay.

Theo số liệu đấu thầu thị trường mở của NHNN, cơ quan quản lý tiền tệ đang trong xu hướng bơm ròng khối lượng tiền Đồng ra nền kinh tế 6 tuần liên tiếp. Trong tuần gần nhất (sau khi nới room), nhà điều hành đã bơm ra hơn 37.600 tỷ đồng thông qua các giao dịch mua kỳ hạn giấy tờ có giá.

Đáng chú ý, trong số này, có gần 9.000 tỷ đồng được giao dịch với kỳ hạn 91 ngày. Đây là lần đầu sau nhiều năm nhà điều hành mới sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có kế hoạch bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có giá được giao dịch vay cầm cố từ đầu năm 2023, trong đó có trái phiếu tổ chức tín dụng (trừ các đơn vị được kiểm soát đặc biệt) và trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng đây là tiền đề để nhà điều hành can thiệp tốt hơn vào thanh khoản của nền kinh tế, phản ánh định hướng hỗ trợ thanh khoản mang tính ổn định và dài hạn hơn của NHNN.

Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD lần thứ tư

NHNN đã có lần điều chỉnh giảm giá bán USD tại Sở giao dịch lần thứ tư trong hơn một tháng gần đây, kéo giá bán đồng bạc xanh lao dốc trên kênh giao dịch ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm tiền

Bên cạnh giao dịch mua kỳ hạn 14 ngày để bơm tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tới công cụ mua kỳ hạn 91 ngày để dòng tiền ở lại thị trường lâu hơn.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm