Lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước sử dụng lại công cụ mua giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo kết quả đấu thầu thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục ghi nhận thêm một tuần bơm ròng tiền Đồng thông qua các giao dịch mua kỳ hạn giấy tờ có giá từ các thành viên thị trường.
Cụ thể, trong phiên cuối tuần, NHNN đã mua ròng hơn 6.600 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ các thành viên, qua đó bơm ra lượng tiền tương ứng hỗ trợ thanh khoản các đơn vị này. Bên cạnh kỳ hạn 14 ngày, nhà điều hành tiếp tục sử dụng công cụ mua kỳ hạn 91 ngày với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để bơm tiền cho 6 thành viên thị trường.
Liên tục bơm tiền
Thực tế, số lượng tổ chức tín dụng có nhu cầu tiếp nhận dòng vốn kỳ hạn dài này lên tới 11 thành viên, tuy nhiên với lãi suất trúng thầu 7,05%/năm, chỉ 6 thành viên tham gia trúng thầu với khối lượng gần 3.000 tỷ.
Đáng chú ý, đây đã là phiên thứ ba liên tiếp NHNN sử dụng hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng để bơm tiền cho các ngân hàng thương mại. Trước đó, kỳ hạn phổ biến được nhà điều hành sử dụng là 7-14 ngày và số ít mang kỳ hạn 28 ngày, mục đích chính là để hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng.
Tính chung tuần này, NHNN đã bơm ròng hơn 37.600 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại thông qua các giao dịch mua kỳ hạn giấy tờ có giá. Đây cũng là tuần giao dịch đầu tiên kể từ khi cơ quan quản lý này tuyên bố nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, lên 15,5-16%.
Trong đó, gần 9.000 tỷ đồng được giao dịch với kỳ hạn 91 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền này sẽ chảy trong nền kinh tế đến tháng 3/2023 mới quay trở lại NHNN.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC LIÊN TỤC BƠM TIỀN HỖ TRỢ THANH KHOẢN NHTM | ||||||||||||||||||||||||||||||
Kết quả đấu thầu trên thị trường mở của NHNN. Nguồn: NHNN; Tổng hợp. | ||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 1/11 | 2 | 3 | 4 | 7/11 | 8 | 9 | 10 | 11 | 14/11 | 15 | 16 | 17 | 18 | 21/11 | 22 | 23 | 24 | 25 | 28/11 | 29 | 30 | 1/12 | 2 | 5/12 | 6 | 7 | 8 | 9 | |
Mua vào (bơm tiền) | tỷ đồng | 16999.99 | 15522.23 | 4999.99 | 7826.22 | 6149.5 | 8746.83 | 4802.18 | 871.46 | 2458.53 | 6471.55 | 9268.56 | 12065.15 | 7878.6 | 7879.25 | 6780.91 | 11315.22 | 4826.4 | 2902.93 | 3582.54 | 6247.13 | 7982.4 | 11614.09 | 10999.99 | 8817.07 | 9089.73 | 11352.83 | 7028.84 | 3526.42 | 6606.53 |
Bán ra (hút tiền) | -9999.8 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | -19999.9 | -9999.9 | -5000 | -5000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
5 phiên giao dịch gần nhất kết thúc cũng đánh dấu tuần bơm ròng thứ 6 liên tiếp của NHNN kể từ cuối tháng 10. Trong tuần liền trước, nhà điều hành cũng đã bơm ròng gần 45.700 tỷ đồng ra thị trường thông qua các giao dịch mua giấy tờ có giá. Tương tự, xu hướng bơm ròng cũng được NHNN duy trì trong cả 4 tuần của tháng 11.
Nới room tín dụng, liên tục bơm tiền Đồng và kéo dài thời gian dòng tiền chảy trong nền kinh tế, các chuyên gia phân tích cho rằng chính sách tiền tệ của NHNN đang dần nới lỏng hơn sau giai đoạn thắt chặt trước đó, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ đã giảm bớt.
Cụ thể, việc NHNN lần đầu tiên sau nhiều năm sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng được xem là kế hoạch định hướng hỗ trợ thanh khoản có tính ổn định và dài hạn hơn của nhà điều hành.
Bên cạnh đó, NHNN cũng có kế hoạch sửa đổi Thông tư 16 theo hướng bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có giá khác được giao dịch vay cầm cố tại NHNN. Các chuyên gia cho rằng đây là tiền đề để giao dịch cầm cố giấy tờ có giá thuận lợi hơn, tránh mất thanh khoản nền kinh tế.
Áp lực tỷ giá hạ nhiệt
Nguyên nhân chính giúp NHNN có cơ sở để đưa ra các chính sách tiền tệ kể trên chính là việc áp lực tỷ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt.
Trong tuần vừa qua, khi sức mạnh đồng USD tiếp đà sụt giảm trên thị trường quốc tế, NHNN một lần nữa giảm giá bán USD tại các Sở giao dịch thêm 10 đồng, xuống mức 24.830 đồng/USD. Đây đã là lần điều chỉnh giảm thứ tư liên tiếp của nhà điều hành trong hơn một tháng trở lại đây. Trong đó, cả 4 lần điều chỉnh đều ghi nhận bước giảm 10 đồng/USD.
Với tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD, NHNN cũng duy trì xu hướng giảm tuần thứ 7 liên tiếp, hiện cố định ở 23.657 đồng/USD.
Việc NHNN liên tục phát tín hiệu hạ giá đồng USD khiến tỷ giá giao dịch ngoại tệ này trên kênh ngân hàng liên tục giảm sâu, hiện đã về vùng thấp nhất kể từ tháng 9.
TỶ GIÁ QUY ĐỔI USD/VNĐ GIẢM MẠNH GẦN ĐÂY | ||||||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: Vietcombank; Tổng hợp. | ||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 1/9 | 5 | 8 | 12 | 15 | 19 | 22 | 26 | 29 | 3/10 | 6 | 10 | 13 | 17 | 20 | 24 | 27 | 31 | 3/11 | 7 | 10 | 14 | 17 | 21 | 24 | 28 | 1/12 | 5 | 9 | |
Vietcombank mua | đồng/USD | 23320 | 23400 | 23390 | 23390 | 23460 | 23530 | 23565 | 23590 | 23670 | 23760 | 23735 | 23740 | 23920 | 24160 | 24390 | 24605 | 24597 | 24599 | 24591 | 24634 | 24720 | 24605 | 24610 | 24607 | 24654 | 24600 | 24360 | 23790 | 23420 |
Vietcombank bán | 23600 | 23680 | 23670 | 23670 | 23740 | 23810 | 23845 | 23870 | 23950 | 24040 | 24015 | 24020 | 24200 | 24440 | 24670 | 24885 | 24877 | 24879 | 24871 | 24874 | 24870 | 24855 | 24860 | 24857 | 24854 | 24840 | 24640 | 24070 | 23700 |
Trong đó, Vietcombank hiện niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở 23.420 - 23.700 đồng/USD (mua - bán), giảm 540 đồng so với một tuần. So với đỉnh giá giao dịch ngoại tệ này ghi nhận được năm nay ở 24.888 đồng/USD (ngày 25/10), giá bán USD tại Vietcombank đã giảm ròng gần 4,8%.
Cùng chung diễn biến, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tại hầu hết ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và tư nhân đều đã giảm về vùng thấp nhất 3 tháng.
Tỷ giá USD/VNĐ hạ nhiệt được hỗ trợ khi lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức trên 5%/năm, bất chấp việc nhà điều hành liên tục bơm tiền ra.
Trong đó, lãi suất VNĐ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện phổ biến ở 5,64%/năm, cao hơn 0,22 điểm % so với tuần trước. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng trên thị trường này cũng ghi nhận xu hướng tăng, hiện lần lượt ở 6,48%/năm, 7,06%/năm và 9,21%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 6 và 9 tháng hiện vẫn duy trì trên mốc 10%/năm.
Việc lãi suất cho vay VNĐ kênh liên ngân hàng duy trì ở mức cao giúp mặt bằng lãi suất này duy trì mức chênh lệch dương so với lãi suất vay USD (hiện phổ biến ở 3,8-3,9%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần; 4-5%/năm với kỳ hạn 2 tuần đến 3 tháng và 5-6%/năm với kỳ hạn 6-9 tháng).
Chênh lệch dương giữa lãi suất VNĐ và USD giúp giảm áp lực nắm giữ USD từ các ngân hàng thương mại, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ bên ngoài thị trường 1 (ngân hàng với cư dân).
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong bối cảnh hiện nay, tâm lý găm giữ USD đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất VNĐ và USD. Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hạ đồng bạc xanh trong thời gian tới với bước giá cao hơn.
Ngoài ra, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng đang ghi nhận nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân từ các doanh nghiệp trong nước.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...