Trong báo cáo tại Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến ngày 8/11, tập đoàn cung cấp sản phẩm thịt chế biến Chuying Agro-Pastoral Group cho biết chủ nợ nắm giữ khối lượng trái phiếu trị giá 271 triệu NDT (tương đương 39 triệu USD) đã đồng ý nhận thịt, dưới dạng thịt lợn hoặc giăm bông thay cho lãi suất trả bằng tiền mặt.
Cũng trong tuần này, nhà sản xuất thịt lợn có trụ sở tại Trịnh Châu không thể hoàn trả 500 triệu NDT trái phiếu do cuộc khủng hoảng tiền mặt trầm trọng, xuất phát từ dịch bệnh ở lợn tràn lan tại châu Phi.
“Thanh toán bằng hiện vật (Payment In Kind) đã trở thành thanh thoán bằng thịt lợn (Payment In Ham)” là lời bình luận của Owen Gallimore, chuyên gia chiến lược tín dụng tại Australia & New Zealand Banking Group dành cho sự việc kỳ lạ ở quốc gia châu Á này.
Công ty Trung Quốc phải trả nợ bằng thịt lợn. Ảnh: SCMP. |
Judy Kwok-Cheung, giám đốc nghiên cứu công cụ trả lãi cố định tại ngân hàng Singapore, nhận định: "Thông thường, cách trả bằng hàng hóa không được chấp nhận trong thanh toán nợ". Theo bà, trường hợp hiếm hoi này đã cho thấy vấn đề về thanh khoản mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đang gặp phải.
Tuy nhiên, giăm bông mà hãng Chuying Agro-Pastoral Group sử dụng để trả lãi cũng được xem là loạt mặt hàng xa xỉ, một gói quà tặng của tập đoàn này có giá 8.999 NDT (tương đương 1.298 USD) trên trang thương mại điện tử JD.Com.
Nhìn chung, cuộc chiến tranh thương mại gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, sự suy thoái của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, cùng việc khối lượng nợ của doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên đã gây khó khăn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận vốn. Vấn đề về thanh khoản buộc các công ty phải trả lãi bằng hiện vật, thậm chí là giăm bông.