Ngày 20/11, giải bóng đá được mong đợi nhất hành tinh FIFA World Cup 2022 đã khai mạc tại Qatar. Đi kèm với những trận cầu nảy lửa, World Cup cũng là cơ hội để các công ty quảng bá thương hiệu và mở ra những cơ hội làm ăn mới.
Theo tờ China Daily, các doanh nghiệp Trung Quốc năm nay đã trở thành những nhà tài trợ lớn nhất cho giải bóng đá "nóng" nhất hành tinh, vượt qua cả các ông lớn đến từ Mỹ như Coca-Cola, McDonald’s hay Budweiser.
Cụ thể, Global Data - một công ty tư vấn và phân tích dữ liệu toàn cầu - cho biết tổng số tiền tài trợ từ các các doanh nghiệp Trung Quốc là khoảng 1,395 tỷ USD, vượt qua mức 1,1 tỷ USD từ Mỹ.
Các nhà tài trợ chính thức cho World Cup 2022 tại Qatar. Ảnh: Firstsportz. |
Sự lấn át của các nhà tài trợ Trung Quốc
Trong số 16 nhà tài trợ chính thức của World Cup năm nay, có tới 4 công ty Trung Quốc, bao gồm Wanda Group, Hisense Group, Mengniu Dairy và Vivo. Trong số đó, Wanda Group là đối tác của FIFA, còn ba công ty còn lại là nhà tài trợ chính thức của giải đấu. Ngoài ra, còn có 2 công ty Trung Quốc khác là nhà tài trợ cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Global Data, tập đoàn Wanda đã cam kết chi 850 triệu USD cho World Cup trong vòng 15 năm kể từ 2016. Nhà tài trợ điện thoại di động duy nhất của World Cup lần này, tập đoàn Vivo cũng dự kiến bỏ ra tổng cộng 450 triệu USD.
Một hãng đồ điện tử khác là Hisense đã chi ra khoảng 35 triệu USD, còn hãng sữa Mengniu thì đầu tư tổng cộng 100 triệu USD cho 2 năm 2018 và 2022.
Ngoài những nhà tài trợ chính thức, còn có hơn 10 công ty Trung Quốc khác cũng tận dụng cơ hội tiếp thị bằng cách tài trợ cho các đội tham gia và các ngôi sao của World Cup lần này.
Theo nhiều chuyên gia, sự lấn át của các công ty Trung Quốc tại giải đấu năm nay là minh chứng cho tham vọng mở rộng ra toàn cầu của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Mức tài trợ của các công ty Trung Quốc trong các kỳ World Cup từ năm 2017 đến nay. Ảnh: Aljazeera. |
Ông Yang Delong - nhà kinh tế trưởng của Quỹ nguồn mở Qianhai - mới đây chia sẻ với Securities Times: “Các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, đang muốn thể hiện sức hấp dẫn thương hiệu của họ đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới thông qua World Cup, điều này sẽ giúp họ phát triển dễ dàng hơn”.
“Trong tình hình thế giới phức tạp và luôn thay đổi như hiện nay, việc các doanh nghiệp Trung Quốc trưng bày hình ảnh thương hiệu của họ trên sân khấu World Cup sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển ra toàn cầu”, ông Yang giải thích thêm.
Những nhà tài trợ khác từ châu Á
Ngoài Trung Quốc, nhiều công ty châu Á khác cũng đã mạnh tay chi tiền để áp đảo các nhà tài trợ phương Tây tại kỳ World Cup năm nay.
Trên sân cỏ, có 6 đội bóng châu Á trong tổng số 32 đội sẽ thi đấu tại World Cup 2022 - con số lớn nhất từ trước đến nay. Còn ở ngoài sân cỏ, các doanh nghiệp châu Á cũng chiếm tới 9 trong số 14 đối tác.
Năm nay, Hàn Quốc - có đội tuyển thi đấu tại World Cup - đóng góp một nhà tài trợ là Hyundai-Kia. Bên cạnh đó, nước chủ nhà Qatar cũng có hai nhà tài trợ. Một trong số những cái tên lần đầu tiên tài trợ World Cup là startup giáo dục của Ấn Độ Byju's, dù đội tuyển nước này không được tham dự World Cup. Tương tự, Singapore năm nay cũng có một nhà tài trợ.
Có khá nhiều những cái tên châu Á trong danh sách đối tác và nhà tài trợ của giải đấu năm nay. Ảnh: Firstsportz. |
Giải thích về điều này, ông Simon Chadwick - giáo sư thể thao và kinh tế tại Trường kinh doanh Skema cho biết: "Thị trường truyền hình châu Á rất lớn, dù khả năng sinh lời tính theo đầu người có thể không bằng những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường này chắc chắn sẽ tăng lên trong những năm sau".
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế