Theo South China Morning Post, anh Chen Wenjin, 28 tuổi, một nhân viên IT làm việc tại Quảng Châu, bị mắc kẹt trong nhà bố mẹ ở Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc - với thủ phủ Vũ Hán là tâm chấn của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) - suốt hơn 20 ngày.
Thành phố Hiếu Cảm - láng giềng của Vũ Hán - bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa một phần trong nỗ lực ngăn chặn dịch virus corona lan rộng.
Anh Chen là một trong 1,7 triệu người lao động đến từ Hồ Bắc dự định quay lại Quảng Châu sau kỳ nghỉ. Dù có thể làm việc ở nhà, anh vẫn lo sợ sẽ bị mất việc nếu không thể quay lại Quảng Châu sớm.
Lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng và trạm kiểm soát an ninh dày đặc trên các tuyến đường chính khiến những người như anh Chen không thể rời khỏi Hiếu Cảm dù rất muốn.
Hàng chục triệu lao động Trung Quốc vẫn chưa thể quay trở lại với công việc vì dịch virus corona chủng mới. Ảnh: Getty Images. |
Mắc kẹt ở Hồ Bắc
"Cách duy nhất là tự lái xe nhưng bạn vẫn cần chứng nhận sức khỏe tốt từ chính quyền địa phương. Việc đó gần như là không thể ở thời điểm hiện tại", anh Chen cho biết.
"Tôi không biết điều gì có thể xảy đến với mình. Nếu mất việc, tôi sẽ không thể trả nợ. Liệu tôi có phải tự cách ly khi quay lại Quảng Châu? Tôi có phải trả tiền nếu bị cách ly không? Tôi vẫn không biết mình có thể quay lại Quảng Châu lúc nào và bằng cách nào", anh tuyệt vọng.
Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc với hàng trăm nghìn doanh nghiệp xuất khẩu đặt trụ sở chính. Tỉnh này đã hạ mức báo động dịch từ cấp độ 1 xuống cấp độ 2 hôm 24/2.
Trong một cuộc họp báo mới đây, các quan chức Quảng Đông tuyên bố tỉnh muốn nhanh chóng đưa người lao động trở lại làm việc, nhưng đồng thời vẫn sẽ hạn chế nguy cơ công nhân vùng nông thôn ồ ạt trở lại thiếu kiểm soát, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm virus corona.
"Chúng ta cần phân biệt mức độ rủi ro ở từng khu vực khác nhau. Những khu vực có nguy cơ thấp sẽ được gỡ bỏ hạn chế nhanh hơn và quay trở lại sản xuất bình thường", ông Chen Zhusheng, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quảng Đông, cho biết.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài, hàng triệu doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn chưa thể hoạt động trở lại bình thường. Ảnh: Getty Images. |
"Tuy nhiên, với những khu vực có rủi ro ở mức trung bình hoặc cao, chúng tôi cần phải thận trọng và đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh và quyết tâm nối lại lại sản xuất", ông Chen nhấn mạnh.
"Các doanh nghiệp có thể phân công công nhân làm việc theo ca hoặc cho phép họ làm việc tại các khu vực riêng biệt để hạn chế lây nhiễm chéo. Mọi người đến từ vùng có nguy cơ cao không nên vội vã quay lại Quảng Đông", ông Feng Huiqiang, một quan chức cấp cao tại Ủy ban Y tế Quảng Đông, tuyên bố.
"Nếu quay trở lại, người lao động phải tự cách ly 14 ngày. Mọi người hãy làm theo hướng dẫn, tránh đi làm, đi chơi, tụ tập, ăn tối cùng nhau và ăn thịt động vật hoang dã. Đừng lạc quan thái quá", quan chức này nói thêm.
Thách thức lớn đối với Quảng Đông
South China Morning Post dẫn lời ông Fion Liang, Giám đốc bán hàng và tiếp thị của khách sạn Garden ở Quảng Châu, các nhân viên ở khách sạn đều phải đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ y tế khi quay trở lại làm việc.
"Mặc dù mức cảnh báo đã được hạ xuống, khách sạn của chúng tôi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cần thiết do chính phủ đề ra để phòng ngừa dịch virus corona chủng mới", ông Liang khẳng định.
Theo phó giáo sư Chris Chan King-chi thuộc Đại học Hong Kong, khoảng 10 triệu người lao động từ các vùng nông thôn ở khắp Trung Quốc sẽ trở lại tỉnh Quảng Đông để làm việc. Điều đó sẽ gây sức ép cực lớn lên hệ thống y tế của Quảng Đông nếu dịch virus corona chủng mới lan rộng.
Bên cạnh vấn đề sức khỏe cộng đồng, việc đảm bảo phúc lợi cho hàng chục triệu người lao động nhập cư cũng là một bài toán lớn đối với chính quyền tỉnh Quảng Đông.
"Các loại tiền hỗ trợ như tiền thuê nhà được chính quyền cung cấp vẫn chưa thể đến tay người lao động. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn từng ngày để trả đủ tiền lương cho công nhân", giáo sư Chan cho biết.
Sự trở lại của 10 triệu lao động sẽ gây sức ép lớn lên hệ thống y tế tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Getty Images. |
"Đối với những người lao động nghèo, chính quyền tỉnh Quảng Đông cần đưa ra một số biện pháp hỗ trợ (nếu dịch virus corona chủng mới lây lan) để ổn định trật tự xã hội", giáo sư Chan nói thêm.
Theo chuyên gia Geoffrey Crothall thuộc hãng China Labour Bulletin, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Quảng Châu nói riêng và tỉnh Quảng Đông nói chung không đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động khi phải cung cấp khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho công nhân.
Các công ty này cũng phải chịu chi phí cách ly người nhiễm bệnh. Chuyên gia Crothall cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Đông cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp này.
"Các quan chức chính phủ nên hiểu rằng nếu họ đưa ra quyết định sai lầm, hậu quả có thể rất khủng khiếp, người lao động sẽ náo động và sự bùng phát của dịch virus corona là không thể tránh khỏi", ông cảnh báo.