Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp TP.HCM băn khoăn về 'quyền được hoạt động'

Việc tự đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 được cho là dễ thực hiện, nhưng một số doanh nghiệp vẫn băn khoăn về giá trị thực tiễn của bộ chỉ số này.

Ngày 6/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ sở có chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 80% phải tạm dừng hoạt động. Ở mức rủi ro từ 50-80%, doanh nghiệp cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro mới được hoạt động.

Với mức rủi ro lây nhiễm trung bình, doanh nghiệp có thể hoạt động với điều kiện không chỉ số thành phần nào trên 7 điểm. Còn các cơ sở có chỉ số rủi ro dưới 30% thì được hoạt động bình thường và phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế (nếu có).

Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp tự chấm điểm. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng thực hiện rà soát và yêu cầu doanh nghiệp làm bản cam kết thực hiện giảm nguy cơ cho phù hợp với tiêu chí TP đã đề ra.

Chỉ thị đơn giản mà cần thiết

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), chỉ đạo này của UBND TP mang ý nghĩa khuyến cáo, giúp doanh nghiệp tự nhận diện và đánh giá rủi ro tại cơ sở, từ đó có kế hoạch khắc phục.

Tranh cai xoay quanh dieu kien hoat dong cua doanh nghiep o TP.HCM anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi thị sát hoạt động của doanh nghiệp ngày 4/4. Ảnh: HMC.

Về bản chất, bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên những yếu tố tác động đến vấn đề lây nhiễm dịch bệnh, do đó rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, TP.HCM là nơi tập trung lượng lớn doanh nghiệp, nên trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, việc TP xem đây là công tác trọng tâm là hoàn toàn đúng đắn.

"Đây là cơ hội để doanh nghiệp tự cải thiện. Mỗi đơn vị chỉ cần dành chút thời gian là có thể hoàn thành bảng chấm điểm, không có gì khó khăn hay phiền hà. Đánh giá xong thì doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp khắc phục. Trong trường hợp thiếu nguồn lực để khắc phục, doanh nghiệp có thể báo cáo với cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ", ông nói.

Trao đổi với Zing, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cũng cho rằng, đây là chỉ báo để doanh nghiệp thận trọng hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thường ngày khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước khi có bộ chỉ số này, các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn TP cũng đã chia sẻ các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để cùng nhau thực hành.

Đa số đơn vị thực hiện làm việc tại nhà đối với bộ phận văn phòng, tận dụng các nền tảng làm việc trực tuyến. Ở mảng sản xuất, các doanh nghiệp chú trọng phân bổ ca kíp, cắt giảm chi phí hoạt động..., bên cạnh việc tuân thủ các khuyến cáo về khử trùng nơi làm việc, bố trí nước rửa tay và khẩu trang cho công nhân viên.

Một số chỉ số chưa hợp lý

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng nên xem xét linh hoạt bộ chỉ số với từng ngành nghề, đơn vị để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Qua trao đổi trong nội bộ hội, ông nhận thấy các doanh nghiệp ngành gỗ cảm thấy lo ngại trước công văn này, bởi chỉ mới tiếp nhận thông tin qua các kênh truyền thông chứ chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ chính quyền. Đồng thời, ngành gỗ cũng mang một số nét đặc thù riêng, khó đảm bảo rủi ro lây nhiễm thấp.

"Trong các nhà máy chế biến gỗ, không khí thường nóng nực, công nhân cũng cần làm việc gần nhau để hỗ trợ, mỗi nhà máy có từ vài trăm đến vài nghìn người là bình thường. Khoảng 70-80% doanh nghiệp hội viên HAWA có mức rủi ro lây nhiễm cao và rất cao", ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng cho biết đã gửi góp ý về một số tiêu chí trong bộ chỉ số này. Trước hết, về yếu tố làm việc ca đêm, ông cho rằng ca nào cũng như nhau, vấn đề là cách tổ chức ca như thế nào để không làm xáo trộn nhân sự, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm từ ca này sang ca khác.

Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo số lượng nhân sự ít nhất có thể trong mỗi ca, đồng thời không đổi nhân sự giữa các ca thì có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Việc phân biệt doanh nghiệp có làm việc ca đêm hay không, không có ý nghĩa thực tiễn trong phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đối với những doanh nghiệp có đến hàng nghìn công nhân viên và địa điểm làm việc ở xa trung tâm, việc hoạt động của xe đưa đón rất quan trọng. Do đó, chỉ số về số công nhân đi làm bằng xe đưa đón hay số khu vực công nhân ở trước khi đi làm chưa hợp lý.

Theo ông, điều quan trọng là doanh nghiệp quản lý các xe đưa đón như thế nào, hay nếu doanh nghiệp không thể kiểm soát được do nguồn lực giới hạn thì cơ quan chức năng có thể hỗ trợ hay không.

Liên quan đến vấn đề khoảng cách công nhân ở nhà ăn, dù không đảm bảo cự ly 2 m (thường do tương quan diện tích và số công nhân), doanh nghiệp vẫn có thể dựng vách ngăn để hạn chế khả năng lây nhiễm.

Đến nay, một số doanh nghiệp cho biết chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc triển khai đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19. Trao đổi với Zing tối 7/4, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, đồng thời là Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết chưa nghe thông tin về bộ chỉ số, cũng chưa thấy doanh nghiệp hội viên chia sẻ gì về chỉ đạo này của UBND TP.

Trong khi đó, đại diện một công ty chuyên xuất khẩu hàng may mặc có trụ sở tại quận 12 (TP.HCM) chia sẻ đang loay hoay chưa biết thực hiện tự đánh giá như thế nào, gửi lên đâu, hay các bước chứng minh khắc phục như thế nào (nếu cần) để đảm bảo được hoạt động.

"Chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất để xuất hàng đi sớm nhất có thể, vì sợ dịch diễn biến phức tạp hơn sẽ bị hạn chế giao thương. Bây giờ cộng thêm quy định này, chúng tôi chưa biết xử lý như thế nào", vị này nói.

Mặc dù vậy, ông Chu Tiến Dũng nhận định, việc ban hành quy định diễn ra gấp rút để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, do đó chưa thể tiếp thu tất cả ý kiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể coi đây là nỗ lực rất đáng quý của cả hệ thống, để chính quyền đồng hành, bảo đảm an toàn cho người lao động và hoạt động kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp.

10 chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp

1. Số lượng công nhân làm việc tập trung của doanh nghiệp.

2. Mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng.

3. Người lao động rửa tay, xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng.

4. Tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang trong lúc làm việc.

5. Số công nhân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phân xưởng.

6. Khoảng cách công nhân ở nhà ăn.

7. Số công nhân đi làm bằng xe đưa rước.

8. Số khu vực (điểm đón, trả) công nhân ở trước khi đi làm.

9. Công ty phát khẩu trang cho công nhân mỗi ngày hoặc phát đủ khẩu trang giặt được.

10. Công ty có làm ca đêm (trừ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19).

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm