Chiều 4/12, hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức tại TP.HCM. Tại hội nghị lần đầu tiên này, các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phản ánh chuyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp sợ hình sự hóa kinh tế
Theo đánh giá của ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân, thời gian qua, Ban đã thực thi một cuộc khảo sát với 2 câu hỏi cơ bản: Rào cản cụ thể nào cản trở hoạt động doanh nghiệp. và đánh giá của doanh nghiệp đối với nỗ lực gỡ vướng các rào cản đó của các cơ quan Chính phủ.
Kết quả khảo sát với khoảng 100 DN tham gia cho thấy 73% DN quan tâm tới yếu tố thủ tục hành chính rườm rà; 6% DN đánh giá thái độ khối công quyền khi ứng xử với DN, có 46% DN quan tâm yếu tố chồng chéo quản lý, các vấn đề khác cũng được quan tâm nhưng ở mức thấp hơn.
Doanh nghiệp đang vướng nhiều về thủ tục hành chính. Ảnh: V.D |
Ông Trương Gia Bình cho biết tới 73% DN cho rằng vướng mắc phần lớn liên quan 4 vấn đề, gồm nhập khẩu với quá nhiều thủ tục, giao đất, yếu tố cấp thẻ APEC và là các thủ tục thành lập DN.
Khó khăn thủ tục tiếp cận thông tin thông qua khối cơ quan Nhà nước vẫn là chuyện DN bức xúc nhiều nhất. Ngoài ra, việc hình sự hóa các vấn đề kinh tế cũng được nhiều DN lo ngại. Một số DN còn thông tin việc cán bộ có biểu hiện gây khó khăn, lợi ích cục bộ, nhũng nhiễu.
“Các vấn đề tiếp theo là cổ phần hóa, xử lý nợ xấu và thực hiện các chương trình hỗ trợ DN. Tuy nhiên, các vấn đề được DN thông tin có tốt, có chưa tốt, phản ánh nỗ lực cải cách, vượt qua khó khăn của cả nền kinh tế giai đoạn qua”, ông Bình nói.
Mỗi năm tốn 15.000 tỷ đồng kiểm tra chuyên ngành
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhìn chung, các DN đã tích cực tham gia và đánh giá cao trọng tâm cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, trong đó việc hội nhập quốc tế là một điều kiện nền tảng đã thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề chồng chéo, rào cản chia sẻ thông tin, tiếp cận thông tin qua cán bộ… vẫn còn lớn.
“Vừa qua tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan liên bộ và nhận thấy riêng trong lĩnh vực nhập khẩu, các DN 1 năm tiêu tốn thêm 15.000 tỷ đồng chi phí kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy những rào cản cần tháo gỡ vẫn còn nhiều”, ông Dũng nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng dẫn việc xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam lên 16 bậc, đứng thứ 68 theo đánh giá của Báo cáo Môi trường Kinh doanh của World Bank 2017, như một dẫn chứng cho thấy những cải cách hành chính của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có 110.000 DN hoạt động, dự kiến kết thúc năm sẽ đạt con số khoảng 120.000 DN.
“Hội đồng tư vấn sẽ tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn của cộng đồng DN, tiếp thu các đóng góp giải pháp để trình Thủ tướng để có những thay đổi kịp thời hỗ trợ DN trong thời gian sớm nhất. Trước mắt là bằng mọi cách giảm chi phí logistics xuống mức hợp lý nhất để tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Dũng nói.