Sau ba năm tạm dừng xây dựng cảng để lại mặt bằng cho cơ quan chức năng khoanh vùng, khảo sát, khai quật tàu cổ đắm, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Hào Hưng (gọi tắt là Công ty Hào Hưng) như ngồi trên "đống lửa".
Đến nay dù Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã dừng khai quật nhưng vẫn chưa bàn giao lại mặt bằng cảng để doanh nghiệp tiếp tục nạo vét cảng chuyên dụng.
Việc khai quật tàu cổ khiến doanh nghiệp thiệt hại 150 tỷ
Là đơn vị đầu tiên phát hiện tàu cổ đắm trình báo cơ quan chức năng tuy nhiên suốt ba năm qua, Công ty Hào Hưng phải chịu "thiệt đơn, thiệt kép".
Đơn vị này từng cầu cứu đến Chính phủ. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm bàn giao mặt bằng cho Hào Hưng tiếp tục thi công cảng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trao đổi với Zing.vn, ông Thang Văn Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng, cho hay công trình cảng chuyên dụng xây dở dang buộc phải tạm dừng suốt ba năm qua gây thiệt hại cho doanh nghiệp hơn 150 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc cảng chuyên dụng chậm hoàn thành đưa vào khai thác khiến ngân sách Quảng Ngãi thất thu lớn.
Khu vực cảng Hào Hưng, nơi phát lộ tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất. Ảnh: M. Hoàng. |
Ông Hóa cho rằng doanh nghiệp thiệt hại lớn đã đành nhưng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chi hơn 48 tỷ đồng khai quật tàu cổ Dung Quất nhưng thu về toàn mảnh vỡ là "quá vô lý".
"Khả năng cổ vật đẹp bị đánh cắp cất giấu, đưa đi hết rồi chứ làm sao thu về toàn mảnh vỡ hết được. Tôi thấy cuộc khai quật này có nhiều khuất tất, nghi vấn lớn cần phải làm rõ", ông Hóa đề nghị.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, kết quả hơn 10.000 hiện vật thu về chủ yếu là mảnh vỡ. Các chuyên gia nhận định những mảnh vỡ này nằm ở gần cầu cảng Dung Quất với mật độ dày, chứng tỏ tàu cổ bị phá vỡ trong quá trình xây dựng cảng.
Tàu bị cọc bê tông đóng phá, mặt cầu cảng chồng đè lên trên, chỉ thu được thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ, đinh sắt, khóa đồng... nên khó nghiên cứu, phục dựng như dự định ban đầu.
Hiện vật gốm sứ tìm thấy trong tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất. Ảnh: V.T. |
Liên quan đến nghi vấn đóng cọc thi công cảng gây vỡ nát cổ vật, ông Hóa cho rằng Công ty Hào Hưng hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này. Bởi lẽ sau khi doanh nghiệp đóng cọc hoàn thành, đến công đoạn nạo vét cảng thì mới phát hiện dấu tích tàu cổ nên trình báo cơ quan chức năng.
Số tiền lớn nhưng chi phí "nhỏ giọt"
Theo ông Thang Văn Hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt chi hơn 48 tỷ đồng để khai quật tàu cổ - số tiền rất lớn nhưng đến nay đơn vị chủ trì khai quật chưa trả tiền bảo vệ cho lực lượng cảnh sát, biên phòng.
Công ty Hào Hưng được ký hợp đồng thuê tàu hút cát phục vụ khai quật cổ vật trong thời gian hai tháng nhưng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới chỉ ứng trả tiền 30%.
"Họ cho rằng khai quật không đạt kết quả như mong muốn nên kỳ kèo, xin doanh nghiệp giảm bớt tiền thuê hút cát. Nếu họ không chịu hoàn trả tiền theo hợp đồng đã ký kết, chúng tôi sẽ không cho họ xuất kho lấy cổ vật đưa đi", Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng nói.
Minh Văn lưu lại trên hiện vật gốm sứ tìm thấy ở tàu cổ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho hay tàu cổ Dung Quất có "hiện tượng bị phá" nên mới có nhiều mảnh vỡ như thế.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chi 48,4 tỷ để khai quật tàu cổ đắm Dung Quất nhưng cần nhìn nhận thực tế chi phí cho cuộc khai quật thế nào mới có thể phán xét có lãng phí hay không... Lẽ ra ngay sau khi phát hiện, tàu cổ đắm trên biển phải được khảo sát, khai quật ngay để tránh bị khai thác trộm gây thất thoát.
Tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ ngày 5/8, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc chi 48,4 tỷ để khai quật tàu cổ đắm Dung Quất thu về phần lớn là mảnh vỡ.
"Cuộc khai quật này là do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì. Hiện đơn vị vẫn chưa có văn bản thông tin cho địa phương phản hồi về vấn đề này", ông Dũng nói.
Hai năm trước, trong lúc thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu dùng chung cho Khu kinh tế Dung Quất, nhóm công nhân phát hiện xác tàu cổ dài 30 m nằm ở độ sâu 9 m. Theo kết quả kiểm tra thực địa bước đầu, các chuyên gia nhận định xác tàu cổ bị chìm cùng nhiều hiện vật gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI.
Đây là tàu cổ đắm thứ 7 ở Việt Nam được khai quật và là tàu cổ đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách, không nhờ sự trợ giúp của nước ngoài. Thời gian trục vớt dự kiến khoảng 2 tháng. Tuy nhiên do vướng mắc nên đến tháng 2 vừa qua, việc khai quật mới được tiếp tục, sau đó tạm dừng vào cuối tháng 5.