Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt chi gần 50 tỷ đồng để khai quật tàu cổ bị đắm tại vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hơn 10.000 hiện vật thu về chủ yếu là mảnh vỡ.
Nói với Zing.vn, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nói những con tàu cổ nếu như không bị tác động thì còn nhiều hiện vật nguyên vẹn. "Tàu cổ Dung Quất có hiện tượng bị phá nên có nhiều mảnh vỡ như thế", ông Chiến nói.
Bị phá vỡ khi xây dựng cảng
Vị chuyên gia cho rằng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chi 48,4 tỷ để khai quật tàu cổ đắm Dung Quất nhưng cần rà soát thực tế chi phí để tránh lãng phí. Cuộc khai quật này có những thiệt hại đáng tiếc, tuy nhiên cần nhìn nhận do nhiều nguyên nhân, trong đó vướng mắc nhiều thủ tục "duyệt lên, duyệt xuống" mất thời gian, địa điểm lại không thuận lợi...
Ông dẫn chứng từ năm 2017, nhóm công nhân phát hiện ra tàu cổ đắm ở cảng Hào Hưng thuộc khu kinh tế Dung Quất. Sau hai năm khảo sát, lập thủ tục, mãi đến tháng 2/2019, cơ quan chức năng mới khai quật là quá lâu. Lẽ ra ngay sau khi phát hiện, tàu cổ đắm trên biển phải được khảo sát, khai quật ngay để tránh bị khai thác trộm gây thất thoát.
Thực tế, ở Việt Nam hiện nay rất ít chuyên gia khảo cổ học biết lặn sông, biển. Viện Khảo cổ học Việt Nam đã lập Trung tâm Khảo cổ học dưới nước nhưng chỉ có vài người biết lặn khoảng 5-10 m.
Trường hợp gặp dòng chảy ngầm, khu vực gần cảng nước đục hoặc tàu đắm ở mực nước quá sâu, họ khó thể lặn để khảo sát lập phương án phục vụ nghiên cứu, khai quật. "Một khi phương án khảo sát thiếu chuẩn xác thì khai quật tàu cổ đắm cũng khó đạt kết quả như mong đợi", vị chuyên gia phân tích.
Cùng ngày, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho hay đơn vị đã gửi báo cáo, kiến nghị cơ quan chức năng về việc khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất.
Nhiều mảnh vỡ cổ vật trong tàu cổ đắm ở vùng biển Quảng Ngãi. Ảnh: M.Hoàng. |
Theo đó, tàu cổ bị đắm không còn nguyên vẹn. Hiện vật thu được cũng không đáng kể nên chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học. Các hiện vật khai quật được thuộc giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573 - 1620). Trong đó, gốm sứ men lam cao cấp được sản xuất ở lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), lò Đức Hóa (Phúc Kiến); gốm sứ bình dân được sản xuất tại Quảng Đông.
Các mảnh vỡ này nằm ở gần cầu cảng Dung Quất với mật độ dày, chứng tỏ tàu cổ bị phá vỡ trong quá trình xây dựng cảng. Tàu bị cọc bê tông đóng phá, mặt cầu cảng chồng đè lên trên, chỉ thu được thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ, đinh sắt, khóa đồng... nên khó nghiên cứu, phục dựng như dự định ban đầu.
Nhiều rủi ro
Là người trực tiếp tham gia khai quật tàu cổ đắm ở Dung Quất, anh T. xác nhận một số người lặn xuống khu vực này không thấy xác tàu cổ mà chỉ vớt được vài thanh gỗ.
Cổ vật gốm sứ phần lớn là những mảnh vỡ, chỉ còn lại một vài cái chén gốm sứ còn nguyên vẹn. Toàn bộ tiêu bản khai quật trong tàu cổ đắm đang niêm phong, lưu kho trong thùng container ở Cảng Hào Hưng - Khu kinh tế Dung Quất.
Cổ vật gốm sứ được phát hiện tại khu vực tàu cổ đắm vùng biển Dung Quất. Ảnh: H.C. |
Từng khai quật nhiều tàu cổ đắm ở biển Việt Nam, ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, chia sẻ việc khai quật tàu cổ đắm dưới đáy biển có nhiều rủi ro khó thể lường. Nếu quá trình khảo sát tàu cổ đắm dưới biển kỹ lưỡng thì kết quả khai quật sẽ có kết quả tốt. Ngược lại, khâu khảo sát thực hiện sơ sài, các chuyên gia, thợ lặn không đo vẽ, tính toán kỹ thì công tác khai quật tàu cổ sẽ thất bại lớn.
Ông Sung dẫn chứng giai đoạn 2012-2013, doanh nghiệp của ông tham gia xã hội hóa khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với kinh phí hơn 42 tỷ đồng.
"Thoạt đầu huy động thợ lặn chuyên nghiệp khảo sát dưới đáy biển, chúng tôi thấy phát lộ cổ vật rất nhiều trong con tàu đắm nên lập phương án trình duyệt khai quật dự kiến lên đến 60.000 hiện vật. Tuy nhiên kết quả khai quật chỉ thu về gần 5.000 cổ vật bên dưới phần đáy tàu, số còn lại chủ yếu là mảnh vỡ", vị này cho biết.
Hai năm trước, trong lúc thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu dùng chung cho Khu kinh tế Dung Quất, nhóm công nhân phát hiện xác tàu cổ dài 30 m nằm ở độ sâu 9 m. Theo kết quả kiểm tra thực địa bước đầu, các chuyên gia nhận định xác tàu cổ bị chìm cùng nhiều hiện vật gốm sứ hoa lam cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI.
Đây là tàu cổ đắm thứ 7 ở Việt Nam được khai quật và là tàu cổ đầu tiên được trục vớt bằng ngân sách, không nhờ sự trợ giúp của nước ngoài. Thời gian trục vớt dự kiến khoảng 2 tháng. Tuy nhiên do vướng mắc nên đến tháng 2 vừa qua, việc khai quật mới được tiếp tục, sau đó tạm dừng vào cuối tháng 5.