Tại buổi gặp mặt của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 11/5, ông Zaman, Chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Comvik (Thụy Điển) cho biết tập đoàn đã có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) rất thành công. Sau 10 năm thực hiện hợp đồng, hai bên không xảy ra vướng mắc, đều có mục đích chung là xây dựng hệ thống mạng mới tốt nhất ở châu Á.
Với việc Chính phủ tiến hành cổ phần hóa Công ty viễn thông di động MobiFone, ông Zaman cho biết Comvik với nền tảng sẵn có về công nghệ, vốn... sẵn sàng tham gia hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết tập đoàn này đang thực hiện chương trình chuyển đổi công nghệ số 6G, không dùng tiền mặt, và Thụy Điển là nước đứng đầu thế giới trong công nghệ số này, với 90% giao dịch không dùng tiền mặt. Hợp tác với Việt Nam, Comvik muốn đưa Việt Nam thành nước hàng đầu về công nghệ chuyển đổi.
Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch kinh doanh về chuyển đổi số, nếu chạy trong 6 năm, dự đoán sẽ tạo ra lượng dự trữ 80-100 tỷ USD.
Tập đoàn của Thụy Điển khẳng định quan tâm tới quá trình cổ phần hóa MobiFone . Ảnh: Lê Quân. |
Khẳng định quan hệ Việt Nam - Thụy Điển phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quan hệ về kinh tế, thương mại là điểm sáng giữa hai nước trong thời gian qua. Đóng góp vào thành công đó có thành công của doanh nghiệp Thụy Điển như Comvik.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Comvik và VNPT là hợp tác thành công trong quá trình phát triển của Việt Nam cũng như ngành bưu chính, viễn thông. So với năm 1990, hệ thống hạ tầng và nền tảng công nghệ viễn thông của Việt Nam đã khác trước rất nhiều, trong đó có một phần nhờ hợp tác giữa VNPT và Comvik, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị cho Mobifone và VNPT.
Phó thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh Comvik tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, tham gia vào quá trình cổ phần hóa của Mobifone.
Theo Phó thủ tướng, kế hoạch lúc đầu của Chính phủ, Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018, nhưng do một số vướng mắc trong mua bán sáp nhập doanh nghiệp và thực hiện một số kết luận của cơ quan chức năng nên việc hoàn thành cổ phần hóa chưa được thực hiện được.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Mobifone chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019 và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa Mobifone trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó xác định rõ sự cần thiết của các nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí cần thiết đối với nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần, tỷ lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Phó Thủ tướng cho biết thêm những năm gần đây, đặc biệt ngay từ quý I/2018, việc cổ phần hóa nhiều tập đoàn lớn đã được thực hiện rất thành công, hệ thống pháp luật về cổ phần hóa ngày càng được hoàn thiện theo hướng minh bạch, tiến sát thông lệ quốc tế hơn. Khi MobiFone IPO, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.