Là doanh nghiệp mới thành lập, đã xin cấp số cố định, chuẩn bị hóa đơn và in danh thiếp cho nhân viên, anh Đoàn Duy Quý, giám đốc một công ty bán vé máy bay ở Trung Yên, Hà Nội, mới biết tới quy định chuyển đổi đầu số cố định kể từ ngày 1/3. Tuy biết có nhiều bất tiện khi không thay đổi số điện thoại theo quy định mới, nhưng anh Quý vẫn quyết định giữ nguyên thông tin để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu phiền toái cho công ty.
"Thay đổi một thông tin trên đăng ký kinh doanh cũng mất chi phí từ 2-3 triệu đồng. Hóa đơn và danh thiếp đã có sẵn số điện thoại cố định và số hotline di động, mà 95% cuộc gọi đều đến từ số hotline, nên việc điều chỉnh thực ra cũng chẳng cần thiết nữa. Nếu sau này phát sinh thêm nhu cầu in mới thì đổi, chứ giờ làm thế tốn kém quá", anh Quý giải thích.
Số lượng doanh nghiệp mới tăng mạnh nhưng tổng thuê bao cố định lại giảm, đang cho thấy thực trạng nhiều công ty không còn sử dụng thuê bao cố định để liên lạc. Ảnh: T.A. |
Không chỉ anh Quý, một số doanh nghiệp khác, ngay cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cũng cho biết sẽ không thay đổi vội vàng ngay khi quy định mới về số cố định được áp dụng.
"Trước đây, khi các thuê bao cố định phải thêm số 3 vào sau mã vùng và trước số điện thoại, công ty cũng không thay đổi gì cả, vì đây là quy định chung, ai cũng biết rồi. Quay số không được thì người gọi tự khắc sẽ nhớ ra và chỉnh lại. Ngay cả giấy chứng nhận đầu tư cũng không thay đổi, vì phải làm khá nhiều thủ tục, trong khi để nguyên cũng không gây thiệt hại gì", chị Ngọc Anh, nhân viên hành chính một công ty nước ngoài tại khu công nghiệp Từ Sơn, Bắc Ninh cho hay.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, dù việc thay đổi này sẽ kéo theo hàng loạt chi phí phát sinh, nhưng đơn vị lại không thể không thực hiện. Đại diện hãng Taxi Ba Sao cho hay, hãng hoàn toàn bất ngờ về thông tin chuyển đổi đầu số này. Hiện hãng chưa có kế hoạch dự trù cho những thay đổi, nhưng hoạt động kinh doanh chắc chắn sẽ chịu không ít tác động tiêu cực. Và những chi phí phát sinh trong quá trình dán vỏ xe, thay đổi thông tin trong hóa đơn và biển quảng cáo... sẽ khiến chi phí kinh doanh tăng mạnh ngay trong quý đầu tiên của năm tài chính 2015.
"Công ty hiện khai thác 1.000 đầu xe, nếu cứ tính bình quân mỗi xe cần 100.000 đồng để dán lại số điện thoại 2 bên thân và đuôi xe, thì chi phí này đã lên tới cả trăm triệu. Đó là chưa kể tới những chi phí phát sinh khác khi thay đổi thông tin hóa đơn, biển quảng cáo,...", vị này cho hay.
Trong khi hãng taxi này chỉ có khu vực hoạt động tại Hà Nội, và việc thay thế các chi tiết có liên quan đến số điện thoại chỉ phải làm một lần, thì nhiều hãng vận tải khác có chi nhánh tại nhiều tỉnh thành phố sẽ phải chịu thiệt hại gấp nhiều lần do quy định mới này.
"Công ty chủ yếu kết nối với khách hàng qua số điện thoại, khách dùng số cố định gọi đến thì không sao, chứ dùng di động mà không biết quy định, hoặc quên thì không kết nối được. Như vậy là mất khách. Mà giờ chưa biết làm thế nào để khắc phục, trong khi thời hạn chuyển đổi chỉ còn hơn 2 tháng", giám đốc một công ty vận tải hàng hóa lo lắng.