Nghịch lý thị trường thép Việt
Chín tháng đầu năm nay, lượng thép tiêu thụ trong nước tăng đột biến, nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 9 đạt 990.051 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,7% so với tháng trước.
Riêng thép xây dựng mức tiêu thụ đạt 548.397 tấn, tăng 29,44% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, bán hàng thép xây dựng đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp thép vẫn không được cải thiện, do bị ảnh hưởng kép từ sự lao dốc của giá nguyên liệu cùng sự cạnh tranh gay gắt từ thép giá rẻ của Trung Quốc. Chẳng vậy mà trong một cuộc gặp mặt nhà đầu tư tổ chức mới đây, chủ tịch của một trong những doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam phải liên tục thốt lên "chưa bao giờ doanh nghiệp thép gặp khó khăn như hiện nay".
Giá quặng sắt liên tục lao dốc
Giá quặng sắt bắt đầu lao dốc mạnh từ năm 2014, thể hiện rõ trong sự chênh lệch giữa giá bán đầu năm và cuối năm. Nếu như bước vào năm 2014, giá nguyên liệu còn đang được giao dịch ở mức 130 USD một tấn thì đến cuối năm, đã "bốc hơi" tới gần 50%, xuống còn dưới 70 USD một tấn.
Không dừng lại ở đó, bước sang năm 2015, giá quặng sắt vẫn liên tục giảm, và đạt mức thấp kỷ lục với 48 USD một tấn vào tháng 4/2015. Hiện tại, giá quặng sắt đang được giao dịch quanh mức 55 USD một tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Nhiều chuyên gia dự báo, giá nguyên liệu này sẽ còn tiếp tục giảm khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy yếu, và tình trạng sử dụng thép phế để luyện thép tại Trung Quốc đang ngày càng tăng, do lượng thép phế tích lũy những thập kỷ qua tại Trung Quốc đang ở mức cao nhất thế giới.
Vậy tại sao giá nguyên liệu đầu vào giảm lại ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp? Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát, khi giá nguyên liệu cơ bản giảm, giá thành phẩm bán ra cũng sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp.
Cũng theo chủ tịch HPG, một đặc điểm nữa khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi giá nguyên liệu giảm, chính là "độ trễ". "Ngày hôm nay bạn nhìn thấy giá nguyên liệu giảm xuống còn 55 USD một tấn, nhưng hàng tồn kho của bạn vẫn đang chịu giá 70 USD một tấn. Trong khi đó, giá bán thành phẩm thường giảm nhanh hơn giá nguyên liệu, như vậy là bạn thiệt rồi", ông Long giải thích.
Bị thép giá rẻ từ Trung Quốc "ép" ngay trên sân nhà
Bên cạnh việc giá nguyên liệu giảm, khó khăn đối với doanh nghiệp Việt lại tăng lên gấp bội khi phải cạnh tranh với thép giá rẻ nhập từ Trung Quốc.
Theo thống kê, năm 2014, Trung Quốc sản xuất được 823 triệu tấn thép, trong khi lực cầu trong nước chỉ đạt 711 triệu tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp nước này buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép ra nước ngoài.
Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu đã đạt 67,13 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái .
Tại Việt Nam, trong 8 tháng 2015, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới gần 6 triệu tấn, tăng 79,4% và chiếm tới 60,54% tổng lượng sắt thép nhập vào Việt Nam. Điều này cho thấy làn sóng nhập khẩu thép giá rẻ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều doanh nghiệp thép trong nước.
Cần thêm hàng rào bảo vệ
Việc giá nguyên liệu giảm do chu kỳ, tất cả các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng và là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc lập nên các "hàng rào" chống lại sự "xâm lấn" của các doanh nghiệp ngoại trên sân nhà lại là điều mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm và cần tiến hành ngay, để bảo về doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, so với Trung Quốc và các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, doanh nghiệp thép Việt Nam dường như đang ở thế thua thiệt do sự bảo hộ chưa mạnh mẽ. Chính ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng phải thừa nhận, "trong tranh tụng thương mại quốc tế doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng ,nên chưa tiến hành được nhiều vụ kiện các sản phẩm từ Trung Quốc".
Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Công thương báo cáo việc ngành thép đang đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ, đồng thời đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải chờ bao lâu nữa để có được câu trả lời, đó vẫn còn là một câu hỏi lớn.