Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sáng ngày 1/8, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu triển khai xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội giá rẻ trong 5 năm tới. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án đang khiến Vinhomes và rất nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn để thực hiện.
"Qua thông tin của các sở, ngành, để phê duyệt một dự án nhà ở xã hội phải cần tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn", ông Hoa nói.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam, cho biết doanh nghiệp có quỹ đất để xây dựng 75.000 căn nhà ở xã hội, nhưng lại gặp khó khăn về thủ tục pháp lý.
"Doanh nghiệp có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó", ông nói.
Khu nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Đề xuất rút ngắn thủ tục xuống 90-120 ngày
Để tháo gỡ khó khăn về vấn đề thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Vinhomes đề nghị những bước nào làm song song được thì cần cân nhắc linh hoạt như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư...
"Chúng ta có thể rút ngắn xuống 90-120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư", ông đề xuất.
Ngoài ra, lãnh đạo Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho rằng khi các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng cho rằng Chính phủ, Nhà nước khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội nhưng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để họ phải qua nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan.
"Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào một đầu mối, chỉ một cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường đề xuất cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Bởi theo ông quy định đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội.
Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Rà soát dự án không dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội
Liên quan đến quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, lãnh đạo Sun Group cho rằng trong trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, thì các bộ, ngành không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
"Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận", ông Đặng Minh Trường đề xuất.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp.
Cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Đặc biệt Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỷ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.
"Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện", bà nói.
Ông Dương Công Minh cũng cho rằng cần xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Để làm được điều đó cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân.
Chủ tịch Him Lam cũng nhấn mạnh những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội là rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.