Sáng 18/4, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM diễn ra với sự chủ trì của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trình bày các vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với 3 nhóm khó khăn chính liên quan đến tài sản thế chấp, lãi suất cho vay và quy trình hỗ trợ xử lý hồ sơ, giải ngân vốn vay.
Doanh nghiệp phàn nàn việc thế chấp
Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần cơ khí thương mại Đại Dũng, cho rằng hiện việc vay thế chấp của doanh nghiệp tại ngân hàng yêu cầu rất nhiều tài sản đảm bảo.
"Tỷ lệ 1 đồng thế chấp chỉ vay được 2 đồng", ông nói.
Một số bất cập khác theo ông Hậu là việc ngân hàng định giá tài sản thế chấp thấp hơn so với giá thị trường. Thêm vào đó, quyền thuê đất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp trong vài chục năm có giá trị nhưng không được tính là tài sản thế chấp.
Đại diện công ty Đại Dũng cũng nêu một số vướng mắc khác khi nhận tín dụng từ ngân hàng như nguồn vốn tài trợ có chi phí thuê vốn rất cao, có ngân hàng áp dụng đến 8,9%/năm cho gói vay ngắn hạn 6 tháng; việc bảo mật thông tin của khách hàng như nợ quá hạn, tổng dư nợ làm thông tin khó kiểm định khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng; việc tăng hạn mức lớn rất khó.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch công ty nông nghiệp NPT, cũng cho rằng tài sản thế chấp của doanh nghiệp là đất nông nghiệp được các ngân hàng định giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Vấn đề này khiến công ty của ông gặp khó khi giữ đất nông nghiệp để sản xuất.
Ngoài ra, ông Vũ chia sẻ khi làm việc với ngân hàng, trong vòng 2 năm phía ngân hàng thay đổi vị trí phó giám đốc 3 lần kéo theo chính sách hỗ trợ giải ngân vốn thay đổi khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp.
Cũng liên quan đến vấn đề thế chấp tài sản, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, bày tỏ băn khoăn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay ngân hàng phải mang hết tài sản của gia đình để thế chấp.
Ông Việt Anh đề xuất các ngân hàng có thể nâng tỷ lệ vay tín chấp nhiều hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là nhóm doanh nghiệp có doanh số không quá lớn và hoạt động không nhiều rủi ro.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Đức. |
"Tín dụng khó hay không là do doanh nghiệp"
Trong khi đó, cũng tại hội nghị, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, lại nêu ý kiến: "Tín dụng khó hay không là do doanh nghiệp".
Ông Lê Kim Hòa, Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV đồng tình với quan điểm trên và khẳng định chính sách của ngân hàng phụ thuộc vào chính hoạt động của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động càng tốt thì ngân hàng hỗ trợ giải ngân càng nhanh, lãi suất càng ưu đãi. Ngược lại, doanh nghiệp hoạt động không tốt thì việc quản lý rủi ro sẽ chặt chẽ hơn.
Phát biểu kết luận, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cam kết ghi nhận toàn bộ 40 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội. Theo ông Tú, các vấn đề được nêu lên thuộc về hai nhóm chính liên quan cơ chế, chính sách và mối quan hệ giữa doanh nghiệp - ngân hàng.
Những vấn đề thuộc nhóm đầu tiên sẽ được NHNN xem xét thỏa đáng để hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Với quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng, ông Tú khẳng định đây là mối quan hệ bình đẳng, cộng sinh. Nếu ngân hàng không minh bạch về lãi suất, biểu phí, hỗ trợ giải ngân chậm, doanh nghiệp có thể chọn tổ chức tín dụng khác. Ngược lại, các ngân hàng cũng có quyền chọn doanh nghiệp làm ăn tốt, có dự án hiệu quả để cho vay.
Đại diện NHNN cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2019.
"Lãi suất tiếp tục ổn định, không tăng từ đây tới cuối năm. Tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được điều hành ổn định, không có chuyện phá giá hay mở rộng biên độ", Phó thống đốc NHNN khẳng định.