E ngại không biết lúc nào bị lập biên bản là tâm lý chung của bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc điều hành Công ty New Tokyo, và nhiều doanh nghiệp khác khi đứng trước yêu cầu thực hiện 5K, đặc biệt là khoảng cách và không tụ tập.
Trước đề xuất của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên về việc xem xét lại sự phù hợp của khuyến cáo 5K, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình. Trong khi đó, chuyên gia y tế cũng cho rằng đã đến lúc thông điệp chống dịch cần điều chỉnh trong tình hình mới.
Nên giảm từ 5K xuống 3K
Bà Nhan Húc Quân cho rằng quy định 5K không còn phù hợp khi doanh nghiệp, công sở, trường học hoạt động lại và gây tâm lý "sợ sai" cho doanh nghiệp.
Đặc thù của New Tokyo là nơi có nhiều máy móc trong dây chuyền cách nhau 5-10 m/máy nên công nhân đảm bảo được giãn cách khi làm việc. Nhưng trong các hoạt động khác như ăn trưa, tan ca... thì không dễ giữ khoảng cách.
Kể từ sau Tết, doanh nghiệp này hầu như không nhận được thông báo hay yêu cầu kiểm tra nào từ địa phương. Nhưng bà cho rằng nếu có kiểm tra, nhiều doanh nghiệp khó tránh việc bị lập biên bản và xử phạt, bởi lẽ yêu cầu thực hiện 5K toàn diện trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp.
"Cứ kêu gọi mọi người đi làm mà yêu cầu không tụ tập thì rất khó. Thực tế và luật phải song song. Luật cứ tồn tại mãi mà không đúng tình hình thì sẽ rất bị động", bà Nhan Húc Quân nêu quan điểm.
Dây chuyền sản xuất của Công ty New Tokyo giúp việc đảm bảo khoảng cách 2 m dễ dàng hơn. Ảnh: Đ.C. |
Chung nhận định, một chủ cửa hàng bán đồ hải sản tại quận Bình Thạnh cho biết doanh nghiệp này không thể thực hiện đủ yêu cầu 5K. Ngoài yêu cầu khẩu trang và khử khuẩn được thực hiện nghiêm, 3 yêu cầu còn lại là khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế cửa hàng này hầu như không thực hiện.
Nguyên nhân là chủ cửa hàng e ngại áp dụng nhiều quy định sẽ khiến khách có tâm lý thấy phiền phức và bỏ đi nơi khác, không quay trở lại. Cửa hàng khá nhỏ nên cũng khó duy trì việc giữ khoảng cách 2 m.
"Tôi đi hỏi một số chuỗi cửa hàng khác thì họ bảo không thấy ai kiểm tra, chỉ bản thân nhân viên và khách hàng tự có ý thức bảo vệ thôi", người này cho biết.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, nhận định việc giữ khoảng cách 2 m gây rất nhiều trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Do đó, giảm từ 5K xuống 3K là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp trở về cuộc sống bình thường.
Chờ đỉnh dịch đi qua rồi nới lỏng quy định phòng dịch.
Ông Trương Chí Thiện
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thời điểm hiện nay chưa phù hợp, bởi dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng với biến chủng Omicron. Tại doanh nghiệp này, ngoài 5K, người lao động còn sử dụng tấm chắn giọt bắn, nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng từng ngày khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng.
"Nếu không nghiêm túc phòng chống dịch thì còn ai khỏe mạnh để đi làm? Tôi thấy tỷ lệ bao phủ vaccine tốt và tỷ lệ tử vong giảm nên nhiều người đang có tâm lý chủ quan, vì vậy chưa đến đỉnh dịch mà chúng ta đã giảm từ 5K xuống 3K thì tôi e không ổn. Chúng ta đã cố gắng bao lâu nay, giờ chỉ cần cố gắng thêm chút nữa thôi, chờ khi đỉnh dịch đi qua rồi nới lỏng quy định phòng dịch sẽ khơi thông cho người dân và doanh nghiệp", ông Thiện đề xuất.
Đặt ra quy định khó thực hiện là "tự dẫm vào chân mình"
Như các bệnh viện khác trong thành phố, từ sau Tết, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên trong cảnh đông nghịt người dân tới khám bệnh.
TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vào đỉnh dịch năm 2021, số lượng người bệnh tới khám chỉ khoảng 2.000 người/ngày. Còn giờ, con số này lên tới 5.000, thậm chí 10.000. Với số lượng này, không thể đảm bảo khoảng cách 2 m trong một khuôn viên 700 m2.
"Nếu còn quy định như thế thì sẽ phải cho người bệnh ở ngoài đường chờ. Mà như vậy, thay vì người dân tập trung trong bệnh viện lại tập trung ngoài đường thì cũng thế cả", bác sĩ Hùng cho hay.
Bệnh viện tại TP.HCM đông nghẹt người đến khám chữa bệnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bác sĩ Hùng cho rằng tất cả dịch vụ chữa bệnh truyền nhiễm trên thế giới luôn phải có giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. Giai đoạn tháng 8/2021 - khi Việt Nam đang ở đỉnh dịch - thông điệp 5K với yêu cầu giữ khoảng cách, không tụ tập rất phù hợp vì khi đó còn cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội.
Nhưng hiện nay, cả nước đã mở cửa trở lại, học sinh tới trường thì phải thay đổi mục tiêu sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế. Việt Nam cũng cần phải lọc lại các biện pháp chống dịch cho phù hợp.
Về mặt chuyên môn, bác sĩ Lê Quốc Hùng thống nhất với quan điểm rút gọn thông điệp 5K còn 3K, gồm khẩu trang - khử khuẩn - khai báo y tế.
Ra quy định mà dân không áp dụng được, cũng không bị xử phạt là "tự dẫm vào chân mình"
TS Lê Quốc Hùng
Chưa đồng tình với việc giảm từ 5K xuống 3K, một số chuyên gia nêu quan điểm nếu không cản trở cuộc sống thì vẫn nên giữ 5K để hạn chế lây nhiễm, bên cạnh đó, việc thay đổi thông điệp cũng không có lợi trong y tế công cộng.
Trước quan điểm này, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho rằng từ đầu dịch đến nay, Bộ Y tế vẫn thống nhất sử dụng thông điệp 5K và không thay đổi.
"Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển giao nên 5K không còn phù hợp. Thực tế là khoảng cách và không tụ tập giờ không thể thực hiện được. Nếu có quy định yêu cầu dân áp dụng, nhưng thực tế dân không thực hiện được mà cũng không bị phạt thì có phải mình tự dẫm chân mình không?", ông đặt vấn đề.
Vị chuyên gia này thừa nhận nếu bỏ khuyến cáo khoảng cách và không tụ tập thì khả năng số ca mắc Covid-19 sẽ tăng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không thể có giải pháp hoàn hảo.
Thực tế, số ca nhiễm tại TP.HCM đã tăng theo chiều thẳng đứng từ sau Tết, nhưng số ca nặng và tử vong rất thấp. Thậm chí, có ngày thành phố không có ca tử vong.
Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, so với thời điểm đỉnh dịch vào 6/9/2021, số ca nhiễm hiện nay (8/3/2022) nhiều nhưng rất ít ca nặng, tử vong và đặc biệt, hơn 94% ca nhiễm được điều trị tại nhà.
Phân tích lợi - hại, ông cho rằng việc bỏ quy định này sẽ đưa quy định lại gần hơn với thực tế cuộc sống, tâm lý xã hội cũng nhẹ nhàng hơn. Hiện, khẩu trang, khử khuẩn vẫn là 2 phương pháp "phòng vệ" chủ đạo và nếu làm kỹ cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm.
"Đúng là có cái bất lợi rằng số ca nhiễm có thể tăng, nhưng phần lợi nhiều hơn phần hại. Đã đến lúc giải tỏa tâm lý cho xã hội", ông đánh giá.
Vị chuyên gia cũng nhắc nhở rằng hiện chưa thể coi Covid-19 là bệnh thông thường và không được coi nhẹ dịch bệnh. Một đợt dịch mới có thể bùng lên bất cứ lúc nào bởi với số ca nhiễm tăng như hiện nay, vẫn có khả năng tạo ra biến chủng mới. "Cảnh giác nhưng không sợ hãi" là thông điệp được bác sĩ Hùng nhấn mạnh giai đoạn này.
Khuyến cáo 5K là thông điệp được Bộ Y tế công bố từ tháng 8/2020, khi dịch bùng phát mạnh trên cả nước. Cụ thể là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế. Người dân được kêu gọi thực hiện khuyến cáo này từ đó đến nay để bảo vệ bản thân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Sau đó, ngày 1/9/2021, Bộ Y tế bổ sung thêm thông điệp 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã). Tuy nhiên, thông điệp này không được người dân ghi nhớ nhiều như khuyến cáo 5K trước đó.