Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó đáng kể nhất phải kể đến nhóm Yamagata mua lại sớm 17 lô trái phiếu với giá trị hơn 4.500 tỷ đồng và Azura tất toán trước hạn hơn 7.300 tỷ đồng. Như vậy, trái chủ hai công ty này mua nhận lại trước gần 12.000 tỷ đồng, mặc dù đa phần trái phiếu đáo hạn đến tận năm 2027-2028.
Ngân hàng OCB hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu lớn với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Các ngân hàng khác như VIB tất toán sớm 2.000 tỷ đồng, SHB và ABBank mua lại 1.000 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý khác có thể kể đến đại gia ngành ăn uống Golden Gate mua hết 494 tỷ đồng trái phiếu GDGCH2124001. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã chi 605 tỷ đồng tất toán sớm một phần trái phiếu.
Thực tế, sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến làn sóng mua lại trước hạn. Xu thế này vẫn tiếp tục trong những ngày đầu tháng 10.
Mới đây, Công ty Cơ điện lạnh (REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02). Chứng khoán VIX thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu.
Về tình hình phát hành chung, VBMA ghi nhận có tổng cộng 25 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị 15.363 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Bắc Á trị giá 235 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị chào bán được 9.623 tỷ đồng. Lớn nhất có VietinBank phát hành 3.090 tỷ đồng; tiếp theo là VPBank với là 2.000 tỷ đồng; OCB phát hành 1.800 tỷ đồng hay SeABank là 750 tỷ đồng trong tháng.
Nhóm bất động sản đứng tiếp theo về giá trị phát hành trong tháng, nhưng chỉ có một công ty tham gia phát hành là lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng của NoVa Thảo Điền với kỳ hạn 5 năm.
Nhóm đứng thứ ba thuộc về ngành hàng tiêu dùng với trái phiếu 1.500 tỷ đồng của Tập đoàn Masan kỳ hạn 5 năm và công ty Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Tính lũy kế từ đầu năm, giá trị phát hành ra công chúng đạt gần 10.500 tỷ đồng, giảm 9,4% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Còn giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ và chiếm gần 96% tổng giá trị phát hành từ đầu năm.
Một số kế hoạch phát hành thời gian tới có thể liệt kê gồm Tập Đoàn Đất Xanh phê duyệt phương án chào bán trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với giá trị tối đa 300 triệu USD. Tập đoàn muốn huy động 500 triệu USD trái phiếu trong 3 năm tới.