Hội thảo “Định hình tương lai ngành bán lẻ” được tổ chức bởi SmartOSC diễn ra ngày 30/11 vừa qua tại TP.HCM nhận được nhiều sự thu hút và quy tụ đại diện từ hơn 100 thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Giải pháp sử dụng ứng dụng nhắn tin trong giao tiếp với khách hàng đặc biệt được rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm.
Trong buổi hội thảo, người tham dự được lắng nghe những lời chia sẻ tâm huyết của các diễn giả đến từ thương hiệu Internet nổi tiếng như Zalo, Magento, SmartOSC, dotmailer… Chủ đề của hội thảo là các giải pháp thương mại điện tử, bao gồm: ứng dụng nhắn tin công nghệ tin nhắn SMS, xu hướng bán hàng đa kênh, cùng các giải pháp marketing khác. Trong đó, giải pháp sử dụng ứng dụng nhắn tin trong giao tiếp với khách hàng nhận được nhiều sự quan tâm rõ ràng và phản ứng tích cực từ phía các doanh nghiệp.
Tại sự kiện, đại diện Zalo chia sẻ một vài trường hợp điển hình đã áp dụng ứng dụng nhắn tin thành công trong thương mại điện tử. Là một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, Lazada đã sử dụng Zalo để gửi tin nhắn, trao đổi với khách hàng và kiểm tra các thông tin liên quan.
Giải pháp này giúp khách hàng của Lazada cập nhật nhanh chóng các thông báo xác nhận đơn hàng, tình trạng đơn hàng, tình trạng đổi trả, bảo hành sản phẩm, và các thông tin khuyến mãi.
Một trường hợp thành công khác là siêu thị Co.op Mart cũng sử dụng Zalo trong việc gửi thông tin khuyến mãi, tổ chức các trò chơi tương tác với khách hàng, tìm kiếm cửa hàng gần nhất…cũng đạt được rất nhiều kết quả tốt.
Nổi bật hơn nữa, là chiến dịch phát voucher điện tử trên nền tảng Zalo cực kỳ thành công của thương hiệu giày và túi xách Juno. Qua nền tảng Zalo, Juno đã phát đi hơn 18.000 voucher điện tử, thu hút hơn 3 triệu lượt tương tác, lượt quan tâm tăng gấp 3 lần.
Không ngẫu nhiên mà việc sử dụng những ứng dụng liên lạc như Zalo đang trở thành xu hướng quan trọng trong kinh doanh.
Đại diện của Zalo tiết lộ: “Theo thống kê từ Zalo, trung bình mỗi ngày, người dùng Zalo có thời gian sử dụng cao gấp 10 lần các ứng dụng thông thường khác. Ứng dụng nhắn tin có nhiều ưu thế như tương tác hai chiều, cá nhân hoá thông điệp và dễ dàng tiếp cận khách hàng ngay trên chiếc điện thoại di động”.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh và hạ tầng viễn thông, ứng dụng nhắn tin gần như “phủ sóng” trên hầu hết điện thoại của người dùng.
Theo một thống kê của BI Intelligence & eMarketer vào năm 2015, top 4 ứng dụng nhắn tin hàng đầu đã vượt qua top 4 ứng dụng mạng xã hội về số lượng người dùng.
Tại Nhật Bản, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Line cũng có có số người dùng hoạt động hàng tháng nhiều gấp bốn tới năm lần so với Facebook tại Nhật Bản. Nhìn chung, việc sử dụng ứng dụng nhắn tin trong kinh doanh đang là một xu hướng nổi bật trên thế giới.
Sau buổi hội thảo, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao và tỏ ra hứng thú với giải pháp giao tiếp với khách hàng thông qua ứng dụng Zalo. Những doanh nghiệp chia sẻ, họ đã có sự quan tâm về việc sử dụng ứng dụng nhắn tin trong kinh doanh từ khá lâu, tuy nhiên vẫn còn có nhiều thắc mắc về chính sách, chi phí cùng với nền tảng cơ sở hạ tầng cần chuẩn bị.
Giải đáp thắc mắc này, đại diện Zalo cho biết Zalo sẵn sàng có hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng trong việc cài đặt, vận hành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị đội ngũ nhân lực riêng để chăm sóc, tương tác với khách hàng một cách tốt nhất.
Hội thảo “Định hình tương lai ngành bán lẻ” được tổ chức bởi SmartOSC đã thu hút sự tham dự của 100 đơn vị bán lẻ uy tín Việt Nam như: IPP Group, Kangaroo, VPBank, Trung Nguyên, Nguyễn Kim, Red Sun, CANIFA, Nestlé Vietnam, AEON Citimart, My Kingdom, LOTTE Mart, Vietcombank, PNJ…