Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp ông Đặng Thành Tâm 'biến' chủ nợ thành cổ đông

Để thoát khỏi món nợ 1.000 tỷ, ông Đặng Thành Tâm đã chấp nhận để chủ nợ thành cổ đông của DN, chia sẻ quyền lực quản lý DN của mình.

Quyết tâm thoát nợ, đại gia Đặng Thành Tâm tiếp tục tiến triển tích cực sau khi các cổ đông “cùng thuyền” với ông đồng ý huy động 1.000 tỷ đồng để cần trừ dần cục nợ khổng lồ vay từ vài năm trước sắp đến thời kỳ đáo hạn.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản và biên bản kiểm phiếu ngày 4/11/2013 của Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC), nơi ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch, vừa thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu với mục đich hoán đổi (cấn trừ) công nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động.

Để thoát khỏi món nợ 1.000 tỷ, ông Đặng Thành Tâm đã chấp nhận để chủ nợ thành cổ đông của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, 100 triệu cổ phiếu phát hành thêm sẽ được chào bán riêng lẻ cho các NĐT cá nhân, tổ chức và các chủ nợ của KBC (số lượng dưới 12 NĐT). Giá chào bán cổ phiếu sẽ do HĐQT quyết định, có thể thấp hơn giá trị sổ sách của công ty, nhưng tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền huy động, theo đó, sẽ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Việc hoán đổi công nợ bằng cổ phần là một bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nguồn vốn, nhằm mục đích giúp công ty giảm đáng kể các khoản nợ phải trả.

Nghị quyết được thông qua khoảng 2 tháng sau khi HĐQT KBC đưa ra phương án. Kết quả này đã được dự báo từ trước bởi KBC hiện vẫn trong diện khó khăn với tổng nợ lên tới gần 7,2 nghìn tỷ, cao hơn khá nhiều so với vốn chủ sở hữu 3,91 nghìn tỷ (tương đương tỷ lệ nợ/VCSH đạt gần 1,84 lần; nợ ngắn hạn cũng xấp xỉ bằng vốn chủ sở hữu, với 3.367 tỷ đồng). Trong khi đó, tình hình kinh doanh không có nhiều điểm sáng, doanh thu thấp, DN lỗ liên tục trong 5 quý gần đây.

Ông Đặng Thành Tâm là cổ đông lớn nhất của KBC với gần 35% (tương đương hơn 101 triệu cổ phiếu). Ông Tâm hiện là chủ tịch HĐQT KBC nhưng không còn giữ chức TGĐ. Hồi cuối tháng 11/2012, ông Tâm đã nhường ghế CEO cho bà Nguyễn Thị Thu Hương, người đang nắm giữ 0,1% vốn của KBC và là thành viên HĐQT.

Gần đây, ông Tâm liên tục bày tỏ sự lo lắng về những món nợ hiện nay mà các công ty của ông đang phải gánh. Bên cạnh KBC, Saigontel (SGT) cũng đang chìm ngập trong thua lỗ và nợ nần. Khó khăn chồng cao hơn khi mà ông Tâm mất chỗ dựa về tài chính tại 2 ngân hàng Navibank và Western Bank, một thời từng được coi là “người trong nhà” sau khi phải bán đi phần lớn cổ phần tại đây.

Có thể thấy, tổng tài sản của KBC là rất lớn nhưng dòng tiền eo hẹp khiến DN này gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khi hàng loạt các khoản vay đang đến hạn. Ngoài việc xin giãn nợ, khất nợ, biện pháp khả dĩ nhất có lẽ là bán tài sản, bán cổ phần, bán dự án để trả nợ. Quyết định bán 100 triệu cổ phiếu KBC phát hành thêm lần này (chiếm 34,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của KBC) sẽ khiến tỷ lệ sở hữu của ông Tâm giảm xuống và cổ phiếu sẽ bị pha loãng. Tuy nhiên, điều này có lẽ không khiến đại gia này phiền lòng bởi mong ước lớn nhất của doanh nhân này là thoát nợ.

Cũng trong khoảng thời gian 2 tháng qua, kể từ khi KBC có kế hoạch cấn trừ nợ, cổ phiếu KBC đã tăng nhanh từ mức 7.000 đồng lên mức 9.700 đồng/cp vào cuối phiên giao dịch 4/11. Cùng với sự hồi phục về giá của KBC và ITA, ông Tâm hiện đang có tài sản quy ra từ cổ phiếu đạt trên 1.170 tỷ đống, đứng thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Từng là người giàu nhất trên thị trường, ông Tâm có thời điểm đã gây sốc khi tiết lộ nợ tổng của mình lên đến hàng ngàn tỷ, và cho biết món nợ này đã làm đảo lộn cuộc sống của mình. Quyết tâm thoát nợ bằng nhiều cách, như bỏ bớt đa ngành, rút bớt đầu tư tài chính… đang được đại gia này thực hiện rốt ráo.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm