Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội sáng 1/11, về chính sách thi tuyển giám đốc, tổng giám doanh nghiệp nhà nước, ĐB Đặng Thành Tâm (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng khi doanh nghiệp thất bại tưởng có thể chết đi được lúc đó mới trân trọng lắng nghe ý kiến của người khác.
Đại biểu Đặng Thành Tâm (Đoàn TP. Hỗ Chí Minh). |
Ông Tâm cho biết: Về vấn đề thi tuyển giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước, chúng ta hoàn toàn đã có chính sách rồi, nhưng chưa được triển khai, kể cả các tỉnh, thành đều đã tổ chức thi tuyển và mới dừng lại ở công chức nhưng chưa nói gì đến việc thi tuyển giám đốc doang nghiệp nhà nước hay tổng giám đốc.
Theo tôi doanh nghiệp đã hoạt động theo cơ chế thị trường nên chúng ta có thi tuyển lãnh đạo doanh nghiệp thì chắc chắn đó là một cơ chế đúng đắn, các công ty người ta đều làm như thế cả, người nào giỏi thì người ta chọn, người nào yếu thì gạt đi, từ đó xem cơ chế hoạt động của doanh nghiệp đó không đạt yêu cầu không.
Còn khi doanh nghiệp hoạt động yếu kém, không đạt nhiều năm lại đổi cho lý do khách quan, rồi thì kinh tế thế giới khó khăn, và đủ thứ nhưng lại không dám thi tuyển lãnh đạo nên doanh nghiệp cứ trì trệ, vì vậy theo tôi nên tạo điều kiện để thi tuyển để tìm những người khác, người giỏi hơn mình.
- Chính sách thì có rồi nhưng vấn đề tại sao chúng ta lại chưa thực hiện thưa ông?
- Có chính sách đó rồi, nhưng chưa triển khai thực hiện. Tại sao thì tôi cũng chưa thể trả lời được. Nhưng tôi nghĩ khi người tổng giám đốc đó báo cáo lên cấp trên về những lý do hoạt động yếu kém của doanh nghiệp và đưa ra những nguyên nhân, sau đó những người quản lý họ thấy rằng lý do đó hợp lý và biện minh, bao che cho những hoạt động yếu kém ấy là đúng thì họ không thay. Và vấn đề thứ hai nữa là sự cả nể. Thứ ba trong doanh nghiệp nhà nước cũng có một hội đồng, giống như hội đồng quản trị, nhưng hội đồng ấy không có quyền thay được tổng giám đốc nên đành phải chịu bó tay.
Thế thì tất cả những vấn đề này chúng ta phải cùng ngồi với nhau để tìm ra giải pháp, kể cả báo chí và quan trọng nhất là chúng ta lựa chọn, tìm ra được một đơn vị nào đó yếu kém, chúng ta phải thi tuyển từ đơn vị đó để thí điểm thực hiện. Và khi đã thí điểm rồi và thực hiện thành công thì nó sẽ được nhân rộng. Nếu nó không có cái bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc.
- Nếu có doanh nghiệp nhà nước tổ chức thi tuyển giám đốc hay tổng giám đốc thì ông có tham gia?
- Tôi cũng xin nói thật hiện nay tôi cũng đang nợ đầm đìa, việc của tôi trong hai năm tới là phải trả hết nợ. Việc của mình thì phải giải quyết hết đã rồi mới dám nghĩ đến việc khác. Hiện nay, còn hàng chục nghìn nhân viên đang trông chờ vào tôi, chứ không phải cứ thấy chỗ khác ngon hơn là đến thi tuyển. Điều mà tôi quan tâm bây giờ, thứ nhất là phải trả hết nợ, thứ hai là phải lo đời sống cho công nhân được tốt hơn và sẽ khuyến khích trong số cán bộ của doanh nghiệp, cán bộ nào giỏi thì khuyến khích họ thi vào nơi khác.
Cũng phải nói thật, cuộc đời doanh nghiệp của mình cũng rất thăng trầm, cũng có lúc hoành tráng, nhưng cũng có lúc cực kỳ be bét, nói chung là đủ vị, đủ hương sắc, giống như mấy nhà thơ muốn làm được thơ hay thì phải thất tình, muốn thất tình thì phải có tình yêu đẹp, thì mới ra được thơ hay. Thế thì người quản trị cũng thế, gọi là như một cuộc chiến phải trải qua tất cả những thất bại, thất bại tưởng như có thể chết đi được thì lúc đấy ta mới thấy được sự quý giá của cuộc sống và lúc ấy người ta mới trân trọng quyết định, mới thực sự lắng nghe người khác.Và rất may là khi tôi gặp khó khăn thì cũng đã được ngân hàng giúp đỡ và lãi suất hàng tháng tôi vẫn lo trả nợ được. Vả lại chủ trương tái cấu trúc của nhà nước cũng đã được thực hiện, đồng thời cái thực trạng của xã hội cũng không ai bưng bít được nữa. Mình phải công bằng mà nói rằng tất cả đều phải là cố gắng
- Vấn đề thi tuyển giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước, theo ông nên triển khai càng sớm càng tốt?
- Đúng vậy. Phải triển khai từ khi có chủ trương của Đảng là phải làm rồi, nhưng tôi cũng không hiểu sao mãi đến giờ vẫn chưa được triển khai và tôi cũng nghe nói một vài đơn vị nhỏ cũng đã thực hiện việc này.
- Riêng các công ty lớn người ta đang sợ có tính chất định hướng và đặt ra cho mình suy nghĩ đinh hướng ấy là như thế nào và người ta sợ người mới vào tuyển dụng có thể thực hiện được theo định hướng kia hay không?
- Việc này tôi cũng phải nói thật, kể tổng giám đốc khi cho nghỉ người ta cũng rất sợ, vì còn rất nhiều vấn đề, khó khăn quá dẫn tới nhiều phát sinh, bí bách quá nên có ông làm bậy hết. Bây giờ cho ông khác vào, ông kia nhìn bên ngoài thì cứ tưởng ngon nhưng khi nhảy vào chưa chắc đã làm được và nếu bung bét những sai phạm ra thì không biết sẽ thế nào.
Đây là một hiện thực chứ không phải là điều gì quá đáng cả, bởi vì đó là tình trạng chung, kinh tế xấu, bí bách thì dẫn đến gian lận.
Ví như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, ông ta đâu muốn làm cho khách hàng chết để ném xác, nhưng bí bách dẫn đến làm liều. Để xứ lý thì Bộ Y tế cũng phải làm triệt để tất cả các cơ sở thẩm mỹ, chứ không phải đợi đến lúc sự việc xảy ra mới xử lý và chỉ xử lý một mình cơ sở đấy là xong.