Theo báo cáo của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), trong 5 năm qua, có 380.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000 DN. Đến nay cả nước có 535.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97% số DN và đóng góp 45% GDP.
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2016, đã có 20.004 DN đóng cửa. Theo các chuyên gia, con số này là đáng báo động và buộc các DN phải dự phòng giải pháp xử lý khủng hoảng. Trong các giải pháp đó, vốn là phương án cần quan tâm đầu tiên.
Tại Hội nghị tìm giải pháp về vốn cho DN nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, diễn ra tại TP HCM hôm qua, TS Trần Quang Thắng, Cố vấn thương mại Dự án Năng lực Thương mại Việt Nam (TCV) nhận định: “Chính phủ và ngân hàng đã thực hiên các chính sách tài chính quan trọng và quyết định nới lỏng tiền tệ, ngăn chặn sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, giải pháp này không tập trung đặc biệt tạo ra các hiệu ứng sâu xa trên các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
DN nhỏ và vừa rất khó khăn để tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ. Ảnh: Lê Quân |
Hiện nay, trong nước có nhiều nguồn vốn cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận. Các nguồn vốn trong nước bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn vốn tự do, nguồn vốn vay và các nguồn khác.
Trong nhóm ngân sách nhà nước, DN sẽ tiếp cận với quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, DN sẽ tự tạo nguồn từ vốn góp ban đầu của chủ sở hữu và nguồn vốn góp bổ sung.
Với nhóm vốn vay có huy động từ ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và huy động từ việc phát hành trái phiếu. Ngoài ra, còn nhiều nguồn khác như vốn chiếm dụng nhà cung cấp, vốn chiếm dụng nhân viên...
Trong điều kiện tín dụng thắt chặt, DN nhỏ và vừa có thể tìm kiếm nguồn thay thế, như huy động theo cách riêng, từ chủ sở hữu, gia đình, bạn bè, bán tài sản,.. và các nguồn tài trợ bên ngoài, tiếp cận các nguồn tài trợ và vốn rủi ro khác.