Đây là số liệu ghi nhận trong báo cáo Doanh nghiệp nhỏ, tăng trưởng lớn của Nền tảng ngân hàng số Mambu, dựa trên khảo sát với các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn cầu có phát sinh ít nhất 1 khoản vay tài chính trong 5 năm qua.
Cụ thể, trên thế giới, bất chấp sự bùng nổ của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa 2 năm qua, khả năng tiếp cận nguồn vốn vẫn là rào cản bất biến với nhóm này. Theo đó, gần 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn khởi đầu.
Tính riêng tại Đông Nam Á, gần một nửa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khảo sát của Mambu phải dựa vào bạn bè và gia đình của người sáng lập để vay vốn.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp không thể đảm bảo đủ nguồn vốn sản xuất kinh doanh, 40% doanh nghiệp đang gặp vấn đề về dòng tiền; 38% không thể tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới và 36% không thể thuê nhân công hiệu quả - một ảnh hưởng lớn trong bối cảnh đại khủng hoảng lao động do dịch Covid-19 gây ra.
Tính trên toàn cầu, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có 101-250 nhân viên, việc không thể tiếp cận nguồn vốn đã hạn chế khả năng tuyển dụng, mở rộng quy mô hoặc chi trả cho việc nâng cấp, cải tiến vận hành hệ thống sản xuất.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút hơn 5,6 triệu lao động. Vai trò của nhóm doanh nghiệp này rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng hầu hết đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng như toàn cầu là khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh: Nam Khánh. |
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, cho biết thời gian qua, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Năm 2020, số lượng này tăng gần 10%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, đã có 32.700 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 51% so với cùng kỳ.
“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là không có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. Trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng của nhóm doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện. Vì ậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một hình thức cho vay mới để lấp đầy khoảng trống tín dụng này”, ông Minh chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, các hình thức cho vay mới đang gia tăng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần chuyển sang vay vốn từ ngân hàng thuần số và các công ty tài chính công nghệ.
Theo ông Minh, việc sẵn sàng thay đổi đối tác tài chính này cũng đến từ số lượng ngày càng gia tăng của các công ty fintech trên thị trường.
Tại Việt Nam, số lượng công ty fintech đã tăng gần 4 lần trong giai đoạn 2016-2020, từ 40 công ty lên 150 công ty. Trong đó, các lĩnh vực hoạt động chính của nhóm công ty fintech này là thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân… Điều này mang đến cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều cơ hội tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ mới.
Báo cáo cũng cho thấy thời gian đăng ký khoản vay có ảnh hưởng lớn đến việc doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn đơn vị cho vay. Phần lớn doanh nghiệp cho rằng quy trình đăng ký đơn giản là một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo nguồn tài chính bên ngoài. Trong khi đó, lãi suất thấp vẫn là một yếu tố quan trọng hàng đầu.