Theo Bloomberg, ông Sangchai Theerakulwanich, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan, trình chính phủ đề xuất tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hồi tháng trước. “Lần bùng dịch này tồi tệ hơn nhiều so với năm ngoái", ông Sangchai khẳng định.
"Hàng triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ đang lao đao. Nếu tình hình kéo dài đến cuối năm, nền kinh tế Thái Lan sẽ rơi vào khủng hoảng, và khoảng 80% các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản”, ông cảnh báo.
Nền kinh tế Thái Lan suy thoái sâu nhất trong vòng hai thập kỷ qua sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa biên giới hồi năm ngoái để chống dịch Covid-19. Thời gian qua, số ca nhiễm hàng ngày và ca tử vong tăng cao kỷ lục, buộc Thái Lan phải áp dụng các biện pháp giãn cách mới từ cuối tháng 6.
Ngành du lịch ảnh đóng băng khiến nền kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái sâu. Ảnh: Bloomberg. |
Hàng tỷ USD chưa kể cứu doanh nghiệp nhỏ Thái Lan
Ngân hàng Thái Lan nhiều lần kêu gọi tăng cường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, các khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD vẫn chưa thể cứu nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này.
Tính đến cuối năm ngoái, Thái Lan có 3,1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuyển dụng 12,7 triệu lao động. Phòng Thương mại Thái Lan ước tính con số doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế có thể lên đến 5 triệu, bởi nhiều hộ kinh doanh không đăng ký với cơ quan quản lý.
Theo Văn phòng Quảng bá Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 35% GDP Thái Lan tính đến hết quý I năm nay.
Tháng trước, Ngân hàng Thái Lan cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 3% xuống còn 1,8% do tiêu dùng nội địa yếu ớt và triển vọng u ám của ngành du lịch. Trước đại dịch, du lịch đóng góp 20% GDP Thái Lan, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thái Lan ước tính sẽ chỉ có 700.000 du khách đến Thái Lan trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với với con số 40 triệu hồi năm 2019.
Ước tính sẽ chỉ có 700.000 du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay, thua xa con số 40 triệu hồi năm 2019. Ảnh: Bloomberg. |
Cô Patcharabhorn Salacheep - 34 tuổi, chủ một chuỗi tiệm vẽ tranh trên cơ thể, chủ yếu phục vụ người nước ngoài - đóng cửa các tiệm ở Pattaya và Phuket vào năm ngoái khi ngành du lịch đóng băng. Sau khi sa thải 70% số nhân viên, cô vẫn còn ba tiệm ở chợ Chatuchak (Bangkok), nhưng doanh thu chỉ bằng 10% so với trước đây.
Cô muốn vay tiền ngân hàng để duy trì công việc kinh doanh, nhưng e ngại ngân hàng không cho vay. “Nếu không thể vay vốn, có lẽ tôi phải ngừng kinh doanh trong năm nay", Patcharabhorn than thở.
"Chính phủ không hỗ trợ cho chúng tôi bất chấp mọi khó khăn hiện nay. Những gì họ đưa ra chỉ là tái cơ cấu nợ. Chúng tôi vẫn phải vay và trả nợ dù không có thu nhập", cô bức xúc.
"Nhà kho tài sản"
Các biện pháp giảm nợ mới nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm gói cho vay lãi suất thấp trị giá 250 tỷ baht (7,8 tỷ USD) để tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, một “nhà kho tài sản thế chấp” trị giá 100 tỷ baht sẽ cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời thế chấp tài sản để nhận vốn vay.
Kể từ khi các biện pháp có hiệu lực vào cuối tháng 4, khoảng 24% gói cho vay lãi suất thấp đã được sử dụng. Tuy nhiên, chưa đến 1% vốn từ gói "nhà kho tài sản" được giải ngân. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Setaphut Suthiwartnarueput cho rằng nhu cầu vay thế chấp tài sản sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan vay ngân hàng tổng cộng 3.500 tỷ baht, bao gồm 240 tỷ baht nợ xấu. Khoảng 440 tỷ baht có thể trở thành nợ xấu vào cuối năm nay nếu nền kinh tế Thái Lan không cải thiện.
"Cho vay vốn không phải là thần dược chữa mọi căn bệnh. Các doanh nghiệp nhận vốn vay là những công ty có triển vọng và kết quả kinh doanh tích cực", nhà kinh tế Naris Sathapholdeja của ngân hàng TMBThanachart (Bangkok) nhận định.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải cầm cố, thế chấp tài sản để có vốn kinh doanh. Ảnh: Bloomberg. |
"Ngược lại, các công ty và hộ kinh doanh vẫn đang tái cơ cấu nợ hoặc không có kết quả kinh doanh tích cực sẽ không được vay vốn. Các ngân hàng cần cẩn trọng trong thời điểm này. Không ai muốn hứng chịu những khoản nợ xấu khổng lồ sau khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại", ông nhấn mạnh.
Thống đốc Sethaput Suthiwartnarueput cho rằng không phải mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được cứu trợ. Các ngân hàng chỉ nên hỗ trợ chỉ những công ty và hộ gia đình có thể tồn tại đến khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
“Không phải mọi doanh nghiệp được vay đều sẽ tồn tại. Nếu ngân hàng cho tất cả vay vốn, những doanh nghiệp có thể tồn tại sẽ rơi vào cảnh phá sản. Mọi thứ đều có chi phí cơ hội”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Setaphut nhấn mạnh.