Theo Nikkei Asian Review, khoảng 50% công ty niêm yết Nhật Bản đặt trụ sở tại thủ đô Tokyo. Tuy nhiên, làm việc từ xa trở nên phổ biến tại quốc gia Đông Á khi dịch Covid-19 bùng phát. Và đây là cơ hội để các doanh nghiệp nước này tìm đường thoát khỏi tình trạng quá tải ở thủ đô và tạo môi trường tốt hơn cho nhân viên.
“Đại dịch là cú hích cần thiết để thúc đẩy chúng tôi tiến hành cải tổ trên toàn công ty”, Nikkei dẫn lời Kaori Takahashi - Giám đốc của hãng phát triển hệ thống ID Group, có trụ ở tại Tokyo - cho biết.
Cuối tháng 8, ID Group tuyên bố sẽ chuyển một phần trụ sở sang Yonago, một thành phố ở tỉnh Tottori thuộc phía tây Nhật Bản. Việc dịch chuyển bắt đầu được thực hiện vào tháng 11 tới.
Văn phòng mới sẽ là nơi đặt trung tâm mảng điện toán đám mây cũng như các bộ phận như quản trị bán hàng và nhân sự. Công ty dự kiến tăng số lượng nhân viên tại văn phòng này từ 11 lên gần 50 vào năm 2025 và hướng tới tổng nhân sự 100 người.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc dịch chuyển khỏi Tokyo. Ảnh: Japan Times. |
Thay đổi thói quen
Trong đại dịch, ID Group đã ban hành các quy định về làm việc từ xa nhưng nhận thấy khó có thể thay đổi thói quen của các kỹ sư, những người thường ngồi tại văn phòng của khách hàng. Chi nhánh lớn nhất ở nước ngoài của ID Group đặt tại thành phố Vũ Hán, nơi dịch Covid-19 bùng phát.
Sau đó, thành phố này bị phong tỏa nghiêm ngặt trong 2 tháng. Ông Takahashi cho biết sự kiện đó “khiến chúng tôi nhận ra rằng khả năng phục hồi kém xuất phát từ việc tập trung nhiều chức năng của văn phòng ở cùng một địa điểm”. Tình trạng đó buộc công ty phải xem xét kỹ hơn về khả năng xảy ra tình trạng khẩn cấp tương tự ở Tokyo.
Nhật Bản hứng chịu nhiều thiên tai, từ siêu bão đến động đất. Khu vực Kanto - gồm 7 tỉnh Gunma, Tochigi, Ibaraki, Saitama, Tokyo, Chiba và Kanagawa - không miễn dịch với các trận động đất lớn. Và nếu xảy ra động đất ở thủ đô, mạng lưới doanh nghiệp đặt trụ sở tại đây có thể bị tê liệt.
ID Group là một trong nhiều công ty có trụ sở tại Tokyo đang tìm cách di dời khỏi thành phố này. Hãng nhân sự Pasona Group - với gần 20.000 nhân viên - đầu tháng này tuyên bố sẽ chuyển một phần hoạt động, gồm bộ phận nhân sự, kế toán và phát triển kinh doanh mới, từ Tokyo sang đảo Awaji ở tỉnh Hyogo.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy phong cách sống và làm việc của thế hệ mới, hòa mình với thiên nhiên. Việc này giúp chúng tôi có kế hoạch kinh doanh liền mạch hơn”, Motoyoshi Takagi, CEO của Pasona Group, cho biết.
Tokyo có một số điểm yếu hạ tầng như tắc nghẽn giao thông và thiếu trường mẫu giáo. Ảnh: AFP. |
Theo kế hoạch, Pasona Group sẽ chuyển khoảng 1.200 nhân viên - tương đương 2/3 nhân sự đang làm việc tại Tokyo - sang trụ sở mới vào năm 2023. Mức lương của họ sẽ vẫn được giữ nguyên như ở Tokyo. Vài năm qua, Pasona Group cam kết phát triển và vận hành các nhà hàng, khách sạn và rạp chiếu phim trên đảo Awaji.
Trước đây, Daido Life Insurance trước đây yêu cầu các hoạt động như xử lý bồi thường bảo hiểm phải được thực hiện tại trụ sở ở Tokyo hoặc Osaka. Nhưng giờ công ty bảo hiểm này cho phép nhân viên làm những việc này ở các khu vực khác nếu muốn.
Daido Life Insurance cũng nhận ra rằng việc nhân viên làm việc từ ra trong giai đoạn chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 4 và tháng 5 không gây ra vấn đề gì lớn.
Tokyo ngày càng kém hấp dẫn hơn
Việc nhiều công ty đồng loạt đánh giá lại vai trò trung tâm kinh doanh của thủ đô Tokyo diễn ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân chuyển về làm việc tại khu vực nông thôn thông qua một chương trình trợ cấp nhằm thúc đẩy sự hồi sinh của những khu vực này.
Cụ thể, từ tháng 4/2021, chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 1 triệu yen (9.500 USD) cho những người chuyển về khu vực nông thôn và tiếp tục làm việc từ xa cho các công ty ở Tokyo. Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tới 3 triệu yen cho những người thành lập công ty công nghệ thông tin tại các vùng quê.
Theo dữ liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, 51% công ty niêm yết tại nước này đặt trụ sở tại Tokyo. Dù Tokyo thường xuyên tắc nghẽn giao thông và có giá thuê văn phòng cao, nhiều công ty vẫn do dự trong việc rời đi, một phần bởi phần lớn khách hàng và nhà cung cấp cũng đặt trụ sở tại đây.
Một vấn đề nữa là việc tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn ở các khu vực khác ngoài thủ đô. Tuy nhiên, giờ đây, “các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu cân nhắc khả năng dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ trụ sở chính” bởi họ đã trải qua thời gian làm việc từ xa trong đại dịch.
Mạng viễn thông 5G cũng là một yếu tố đầy thuyết phục cho việc dịch chuyển này, Takanori Hara, Giám đốc bộ phận tư vấn rủi ro doanh nghiệp tại Sompo Risk Management, cho biết.
Khu vực trung tâm tài chính Marunouchi ở Tokyo. Ảnh: AP. |
Thủ đô Tokyo ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn vì đại dịch. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, hồi tháng 7, số lượng người chuyển tới Tokyo sinh sống ít hơn so với số lượng rời thành phố này bởi Tokyo chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh lần hai. Đây là lần đầu tiên lượng người rời đi vượt lượng người đến thành phố này kể từ tháng 7/2013.
Theo chuyên gia Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp ra khỏi Tokyo có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Tokyo dẫn đầu cả nước về tăng trưởng năng suất và tiềm năng đổi mới, nhưng “những mặt tiêu cực về kinh tế (bao gồm tắc nghẽn giao thông và thiếu trường mẫu giáo) vì quá tải có thể lớn hơn các mặt tích cực”, ông cho biết.
Ông cũng cho rằng nếu người dân dịch chuyển từ Tokyo và trải đều ở các khu vực nông thôn, “cơ hội kinh doanh ở những khu vực này sẽ tăng lên và các doanh nghiệp ở những đô thị khác cũng sẽ dịch chuyển hoạt động về nông thôn”. Và để thực hiện việc này, cần có thêm tác động từ chính phủ dưới dạng các kế hoạch số hóa khu vực nông thôn.