Theo South China Morning Post, trong đơn kiện gửi lên Tòa án quận Toyko, người phụ nữ điều hành một công ty ở khu vực Kansai phía tây Nhật Bản yêu cầu chính phủ trả tiền trợ cấp và phí an ủi vì "phân biệt đối xử không có cơ sở hợp lý".
Các luật sư cho biết đơn kiện cũng nhắm đến Recruit Co và Deloitte Tohmatsu Financial Advisory, hai công ty phụ trách công tác văn thư cho chương trình cứu trợ.
Theo chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ bị sụt giảm doanh thu vì đại dịch, chính phủ Nhật Bản trao tối đa 2 triệu yen (19.000 USD) cho mỗi doanh nghiệp. Chương tình cũng cung cấp một số lợi ích giúp doanh nghiệp trả tiền thuê nhà.
Ngành công nghiệp tình dục ở Nhật Bản không nằm trong gói hỗ trợ của chính phủ. Ảnh: Reuters. |
"Không có lời giải thích chính đáng"
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục không được đề cập ở chương trình hỗ trợ của chính phủ. Những doanh nghiệp này bao gồm các công ty điều phối hoạt động mua bán tình dục, khách sạn tình yêu, hoặc nhà chứa.
Theo luật sư, người phụ nữ điều hành doanh nghiệp trên đã ngừng hoạt động từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Doanh thu trong tháng 4 và tháng 5 giảm lần lượt 80% và 70% so với một năm trước đó.
Bà và các chủ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tình dục khác đã gặp một quan chức tại Cơ quan Doanh nghiệp vừa và nhỏ hồi tháng 6 để yêu cầu ghi tên công ty vào danh sách hỗ trợ. Tuy nhiên, quan chức này từ chối yêu cầu của họ. Người này cho rằng những công ty trên đã bị loại bỏ khỏi các gói hỗ trợ công, chẳng hạn như sau thảm họa thiên nhiên.
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục chứng kiến doanh thu sụt giảm vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính phủ Nhật Bản lo sợ làn sóng phản đối vì trao tiền thuế cho chủ các công ty kinh doanh tình dục. Theo luật sư, nguyên đơn đã khai thuế thu nhập và hoạt động kinh doanh theo luật quy định về ngành công nghiệp mại dâm.
Người phụ nữ này cho biết quyết định đâm đơn kiện vì nó "liên quan đến cuộc sống của mọi người trong ngành công nghiệp này". "Chính phủ vẫn chưa đưa ra bất cứ lời giải thích thuyết phục nào cho trường hợp ngoại lệ này", bà nói.
"Lợi dụng sự kỳ thị từ cộng đồng"
Luật sư Yusuke Taira bình luận việc chính phủ không hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục là "phi lý" và "lợi dụng sự phân biệt đối xử của cộng đồng đối với ngành".
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, tính đến cuối năm 2019, có 31.956 cơ sở kinh doanh trong ngành công nghiệp tình dục đã đăng ký với chính quyền trên toàn quốc, tăng 0,1% so với năm trước.
Hơn 60% trong số đó, tức 20.319 công ty, là các doanh nghiệp điều phối hoạt động mua bán tình dục. Điều 14 của Hiến pháp Nhật Bản quy định sự bình đẳng cho mọi người, nghiêm cấm phân biệt đối xử “trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế hoặc xã hội vì chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hoặc nguồn gốc gia đình”.
Gần 36.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã ngừng hoạt động trong năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Con số này tăng 29% so với năm trước, tương đương 1% trong số 3,58 triệu công ty tại quốc gia này.
Có đến 31.956 cơ sở kinh doanh trong ngành công nghiệp tình dục đã đăng ký với chính quyền trên toàn quốc. Ảnh: Reuters. |
Tổng số công ty đóng cửa nhưng không làm thủ tục phá sản có thể lên tới 53.000 vào cuối năm nay, theo báo cáo của Tokyo Shoko Research.
Theo báo cáo này, 31% trong tổng số doanh nghiệp kể trên thuộc lĩnh vực dịch vụ, tiếp theo là xây dựng (18%) và bán lẻ (13%). "Đại dịch sẽ kéo dài hơn, vì vậy sự gia tăng số doanh nghiệp nhỏ đóng cửa là khó tránh khỏi", nhóm nghiên cứu của Tokyo Shoko Research nhấn mạnh.
Hôm 23/9, tờ Asahi đưa tin Nhật Bản đang xem xét cho người nước ngoài đến nước này bắt đầu từ tháng tới. Theo đó, những người lưu trú ở Nhật Bản lâu hơn ba tháng, chẳng hạn như sinh viên và nhân viên y tế, sẽ được nhập cảnh dù đến từ quốc gia nào. Tuy nhiên, số người nhập cảnh bị giới hạn ở 1.000 người/ngày.