Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục rót cả trăm triệu USD vào Việt Nam

Từ đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ Nhật Bản liên tục công bố kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Số vốn FDI đăng ký 2 tháng đầu năm gần 146 triệu USD.

Chưa đầy một tuần sau khi khai trương cửa hàng thứ 16 tại Thiso Mall (TP Thủ Đức, TP.HCM), Uniqlo tiếp tục công bố kế hoạch mở cửa hàng tiếp theo ở quận Tân Phú. Trước đó, hãng thời trang Nhật Bản cho biết sẽ xuất hiện ở Bình Dương từ mùa xuân hè năm nay.

Cùng thời điểm này, "người bạn đồng hương" Muji cũng sẽ mở cửa hàng thứ 6 ở Hà Nội. Muji vẫn úp mở về kế hoạch mở rộng trong năm nay, nhưng con số dự kiến không dừng lại ở 2 cửa hàng mới.

Bán lẻ tăng tốc

"Tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam" là mục tiêu luôn được lãnh đạo Uniqlo nhắc đến mỗi dịp chia sẻ với truyền thông suốt 3 năm qua. Đối với hãng này, Việt Nam luôn là một thị trường trẻ, năng động và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.

Thực tế, ghi nhận của Zing cho thấy đối tượng khách hàng chính của bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam là những người tiêu dùng trẻ tuổi hoặc gia đình hiện đại. Có thể thấy rõ điều này qua cách các thương hiệu lựa chọn mặt bằng hàng nghìn m2 bên trong các trung tâm thương mại ở thành phố lớn, hướng đến trải nghiệm thay vì mua sắm đơn thuần.

Đơn cử, Aeon Mall cách đây hai tháng đã khởi công dự án trung tâm thương mại mới ở Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư gần 170 triệu USD, trải rộng trên tổng diện tích hơn 8 ha.

Hay tại Muji, các cửa hàng ở Việt Nam có diện tích trung bình khoảng 2.000 m2, gần như gấp đôi quy mô ở các thị trường khác, kể cả Nhật Bản. Doanh nghiệp cho hay doanh thu các cửa hàng đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.

doanh nghiep nhat ban anh 1

Các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản liên tục khai trương cửa hàng mới ở Việt Nam. Ảnh: Uniqlo.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thực phẩm nước này cũng đang đánh giá cao thị trường Việt Nam.

Trong chuyến thăm xúc tiến thương mại cuối tháng 2, ông Tomoyasu Takada - Chủ tịch Trade Media Japan, đồng thời là đại diện tỉnh Miyazaki, Nhật Bản - nhấn mạnh Việt Nam là thị trường chủ lực trong thời gian tới cho các loại đặc sản cao cấp từ Miyazaki như thịt bò, nấm đông cô, cá cam..., bên cạnh Đài Loan, Singapore và Thái Lan.

"Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu thực phẩm của tỉnh trong vài năm tới. Khi đó, chúng tôi có thể mở một công ty con ở Việt Nam, bên cạnh một công ty con hiện có ở Đài Loan", ông Tomoyasu Takada nói với Zing.

Ông cho biết năm nay sẽ xuất khẩu khoảng 2 tấn thịt bò Miyazaki sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, mục tiêu là tăng gấp 5 lần sản lượng, thậm chí 2 tấn thịt bò mỗi tháng, song song với các loại thực phẩm khác.

Thương hiệu Nhật Bản thường gắn với uy tín nên doanh nghiệp, hàng hóa Nhật Bản khi đến Việt Nam dễ dàng được chấp nhận hơn.

Bà Phan Bích Hà, Chủ tịch BioGroup, đại diện Hiệp hội bò Kobe Nhật Bản tại Việt Nam

Nhìn lại sự tăng trưởng của thị trường, bà Phan Bích Hà, Chủ tịch BioGroup, đại diện Hiệp hội bò Kobe Nhật Bản tại Việt Nam cho hay cách đây 6 năm khi mới bắt đầu nhập khẩu chính ngạch thịt bò Kobe, đây vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, người tiêu dùng cũng không dám tự chế biến.

Còn hiện tại, sản lượng tiêu thụ đã tăng gấp nhiều lần, với sự tham gia của nhiều đơn vị nhập khẩu khác. Người tiêu dùng giờ đây cũng dễ dàng tìm mua thịt bò Kobe ở các siêu thị đem về nấu. Bà nhấn mạnh bò Kobe hay bò Wagyu dù vẫn là thực phẩm cao cấp nhưng không còn quá xa xỉ với người Việt.

"Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng lên từng ngày, họ không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn cả nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, thương hiệu Nhật Bản thường gắn với uy tín nên doanh nghiệp Nhật Bản, hàng hóa Nhật Bản khi đến Việt Nam cũng dễ dàng được chấp nhận hơn", bà đánh giá.

Doanh nghiệp sản xuất duy trì đà tăng trưởng

Thực tế, không chỉ riêng bán lẻ, dòng vốn FDI từ Nhật Bản đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, nước này có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đăng ký rót thêm gần 146 triệu USD.

Là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên có mặt tại Việt Nam, Mitani Sangyo (Tập đoàn Aureole) cho biết mặc dù không gia tăng đầu tư trong giai đoạn Covid-19, nhưng nhu cầu và đơn đặt hàng đang tăng lên.

"Chúng tôi đang xem xét đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị trong thời gian tới. Về dài hạn, chúng tôi sẽ xem xét bất kỳ khoản đầu tư nào mà chúng tôi tin rằng cần thiết cho nhu cầu của khách hàng", ông Kanayama, Trưởng văn phòng đại diện Mitani Sangyo tại Việt Nam chia sẻ.

Nói về dòng vốn Nhật Bản vào bán lẻ Việt Nam, bên cạnh những tiềm năng của thị trường, ông cũng đánh giá nguồn tài chính để đầu tư cho bán lẻ không nhiều như sản xuất, do đó các doanh nghiệp dễ xem xét hơn. Dù vậy, riêng với Aureole, doanh nghiệp xác định chỉ hoạt động B2B, không có kế hoạch đầu tư vào bán lẻ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều kỳ vọng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội

Khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ này tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước và là mức cao nhất trong các nước Đông Nam Á.

Một cuộc khảo sát khác của Jetro với các công ty mẹ ở Nhật Bản còn chỉ ra sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, hơn cả Ấn Độ, Indonesia.

Trưởng đại diện Jetro Hà Nội Nakajima Takeo cho hay các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu. Đặc biệt, họ mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đầu năm nay, lãnh đạo hai tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn của Nhật Bản là Tenma và Castem cũng đã đến Quảng Ninh để đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy ở KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), với quy mô đầu tư lần lượt là 150 triệu USD14 triệu USD.

Kể cả các doanh nghiệp bán lẻ như Muji hay Uniqlo cũng đang đẩy mạnh làm việc với các nhà sản xuất, đơn vị gia công Việt Nam để từng bước địa phương hóa dây chuyền sản xuất.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Doanh nghiệp Việt có thể học cách cao cấp hóa nông sản như Hàn Quốc

Nhân sâm của Hàn Quốc là hàng cao cấp nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã thành công trong việc cao cấp hóa sản phẩm.

Thủ tướng: Kinh tế Việt - Nhật còn nhiều dư địa hợp tác

Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm