Bloomberg cho biết China Huarong International Holdings - đơn vị quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc - gửi tin nhắn yêu cầu nhân viên không chọn hãng Cathay Pacific và công ty con Dragon Air cho các chuyến bay công tác, du lịch. Động thái trên diễn ra sau khi một số nhân viên của hãng Cathay Pacific tham gia biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của Hong Kong.
Hôm 9/8, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đưa ra một loạt yêu cầu đối với hãng Cathay, bao gồm việc không sử dụng các nhân viên tham gia biểu tình trong các chuyến bay tới hoặc qua không phận Trung Quốc.
Đáp lại, Cathay cho biết đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu này. Hãng đình chỉ một phi công và sa thải hai nhân viên có hành vi "sai trái".
Người biểu tình tập trung tại sân bay quốc tế Hong Kong hôm 11/8. Ảnh: Getty Images. |
Cơ quan quản lý Trung Quốc mô tả hành động của nhân viên Cathay "đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn hàng không, tạo tác động xã hội tiêu cực và làm tăng rủi ro cho các chuyến bay từ Hong Kong đến đại lục".
Trong một tin nhắn gửi đến các nhân viên hôm 10/8, Rupert Hogg - Giám đốc điều hành của Cathay - nhấn mạnh: "Chúng ta có nghĩa vụ tuân thủ bất cứ yêu cầu nào được ban hành bởi bất cứ cơ quan quản lý nào có thẩm quyền với hãng".
Theo ông, hoạt động của Cathay tại Trung Quốc là "chìa khóa kinh doanh". Phần lớn đường bay của hãng đến châu Âu và Mỹ đều bay qua không phận đại lục. Cổ phiếu Cathay giảm 4,7% còn 9,82 HKD hôm 12/8. Cổ phiếu của Swire Pacific - công ty mẹ của Cathay - giảm 5,4%.
Với chỉ thị từ CAAC, Cathay buộc phải lựa chọn giữa khách hàng Hong Kong và đại lục, thị trường quan trọng nhất của hãng. Cathay không tiết lộ về hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc nhưng các chuyến bay từ đại lục và Hong Kong chiếm khoảng 50% doanh thu của hãng.
"Yêu cầu của chính quyền Trung Quốc không chỉ đe dọa các chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng các chuyến bay tới châu Âu và Mỹ bay qua không phận Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Andrew Lee nhận định.
Cathay Pacific được kiểm soát bởi gia đình Swire nhưng Air China, hãng hàng không quốc doanh Trung Quốc, là cổ đông lớn thứ hai.