Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào Chính phủ mới của Việt Nam'

Giám đốc điều hành Amcham thể hiện niềm tin vào Chính phủ mới. Ông hy vọng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam sẽ được tháo gỡ và quan hệ Việt - Mỹ ngày càng gắn bó.

Doanh nghiep My anh 1

Trong gần 20 năm sống và làm việc ở Việt Nam, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội - chứng kiến sự chuyển mình của đất nước qua các thời kỳ khác nhau.

Trong cuộc trao đổi với Zing, ông Sitkoff khẳng định Chính phủ mới của Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi. Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương vào năm 2020 và đà tăng sẽ tiếp diễn trong năm 2021.

Ông kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tận dụng các cơ hội, đồng thời cải thiện hệ thống quy tắc, quy định nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xây dựng một vị thế kinh tế thực sự bền vững của Việt Nam.

Nối tiếp thành công của nhiệm kỳ 2016-2021

- Là một doanh nhân Mỹ sống tại Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về vị thế của nền kinh tế Việt Nam khi bước vào nhiệm kỳ mới?

- Việt Nam từ nhiều năm nay đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Năm ngoái, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 2,9%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu vào năm 1986, nhưng là một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên toàn cầu.

Trong năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi đạt tăng trưởng dương trên thế giới. Chính phủ đã làm rất tốt ở nhiệm kỳ qua.

Các bạn vượt qua hầu hết quốc gia trong khu vực. Sự chăm chỉ và tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam đã phát huy lợi thế khi Chính phủ tăng cường hội nhập với cộng đồng thương mại thế giới, nhằm mang đến nhiều cơ hội cho đất nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại với các đối tác thương mại toàn cầu và khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Cùng với đó là những hiệp định thương mại cũ như TPP, nay là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Doanh nghiep My anh 2

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Các hiệp định này mang lại lợi thế cho Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, vốn là động lực cho đầu tư nước ngoài. Nhưng trên hết, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển nhanh, 99 triệu người dân muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điều đó tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khắp thế giới. Họ nhìn vào và tin rằng Việt Nam là một thị trường có triển vọng tốt không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.

- Theo ông, sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong vòng 5 năm qua?

- Mỹ đã trở thành nước nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, bất chấp cuộc khủng hoảng toàn cầu vì dịch Covid-19. Đồng thời, Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Trên thực tế, do luật và thủ tục thuế phức tạp của Mỹ, rất nhiều công ty đa quốc gia Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh tại nước ngoài. Tôi cho rằng Mỹ có thể là nhà đầu tư lớn thứ ba hoặc thứ tư của Việt Nam.

Các nhà đầu tư Mỹ nhận thấy rất nhiều tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, từ những lĩnh vực như công nghệ thông tin, fintech (công nghệ tài chính), dịch vụ giáo dục, dịch vụ tài chính cho đến các sản phẩm như ôtô, mỹ phẩm, thực phẩm...

Các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Việt Nam luôn hướng đến sự hợp tác lâu dài, muốn trở thành đối tác tin cậy của đất nước và người dân Việt Nam. Những doanh nhân Mỹ mà tôi quen đều tin rằng nếu Việt Nam phát triển, họ cũng sẽ như vậy.

Đó là lý do chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để cố gắng đảm bảo rằng các quy tắc, quy định tốt nhất sẽ được áp dụng một cách công bằng tại đây.

Niềm tin vào Chính phủ mới

- Với tư cách người lãnh đạo của một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ông kỳ vọng như thế nào về sự thay đổi chính sách của Việt Nam dưới nhiệm kỳ của Chính phủ mới?

- Chính phủ mới của Việt Nam có một khởi đầu thuận lợi. Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương vào năm 2020 và đà tăng sẽ tiếp diễn trong năm 2021.

Các ngân hàng và tổ chức kinh tế thế giới đưa ra những dự báo khác nhau về kinh tế Việt Nam, từ tăng trưởng 5%, 6% đến 7%. Nhưng chắc chắn Việt Nam có thể sớm phục hồi từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với đó là dòng vốn đầu tư lớn của những nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Các chính sách kinh tế của Việt Nam hiện dựa trên cơ sở hội nhập kinh tế và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Dòng đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam là hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ. Song song với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam để sản xuất. Tôi tin rằng Chính phủ mới sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này.

Điều quan trọng nhất với Chính phủ mới là đảm bảo những quy tắc và quy định của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, các chính sách có thể gia tăng năng lực cạnh tranh

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Điều quan trọng nhất đối với Chính phủ mới là đảm bảo rằng những quy tắc và quy định của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, các chính sách có thể gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân ở cả trong và ngoài nước, từ đó giúp Việt Nam tận dụng mọi lợi thế.

Đặc biệt, các quy tắc và quy định cần được áp dụng công bằng cho mọi đối tượng, nhất là trong việc kiểm tra thuế và hải quan. Nếu hệ thống quy tắc và quy định được cải thiện, Việt Nam có thể tăng sức hút đối với những doanh nghiệp nước ngoài và nhờ đó tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong nước.

- Vậy các quy tắc và quy định có phải khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam không, thưa ông?

- Đúng vậy, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam vẫn là các quy định. Hệ thống quy tắc và luật lệ thay đổi thường xuyên và không phải lúc nào cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chẳng hạn, chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để cố gắng cải thiện dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp mà còn cả người dùng, nhất là khi quá trình chuyển sang trực tuyến được thúc đẩy mạnh mẽ.

Doanh nghiep My anh 3

Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương vào năm 2020 và đà tăng có thể tiếp diễn trong năm 2021. Ảnh: Quỳnh Danh.

Từ các công ty Internet, hãng hàng không cho đến những doanh nghiệp sản xuất, dữ liệu được coi là nguồn lực quan trọng đối với hoạt động kinh doanh.

Việt Nam cần nhìn xem doanh nghiệp ở các quốc gia khác đang làm gì, học hỏi những cách tốt nhất, từ đó áp dụng hệ thống bảo mật dữ liệu để giúp các công ty tại Việt Nam tận dụng mọi cơ hội có thể có.

- Ông dự đoán thế nào về tương lai của mối quan hệ Việt - Mỹ dưới chính quyền mới của cả hai quốc gia, thưa ông?

- Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, người dân hai nước đã góp công lớn trong việc vượt qua "bóng ma" quá khứ và vun đắp một tình bạn bền chặt, gắn bó ngày hôm nay. Tôi tin rằng tình hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Cả Việt Nam và Mỹ đều có chính phủ mới trong năm nay. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia sẽ rất hòa thuận, tiếp tục phát triển và củng cố mối quan hệ đối tác song phương.

Mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Mỹ sẽ mang lại cơ hội cho người dân và doanh nghiệp ở cả hai nước. Tôi rất hy vọng về một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Việt Nam. Đó có thể là hiệp định thương mại tự do song phương, hoặc Mỹ tìm cách tái gia nhập TPP, nay là CPTPP. Điều này có thể giúp cả hai nước hưởng lợi.

Việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người dân ở cả Mỹ và Việt Nam. Do đó, hai quốc gia nên đưa ra một thỏa thuận nhằm giảm bớt rào cản và tăng khả năng tiếp cận thị trường của nhau.

Phục hồi mạnh mẽ

- Ông dự đoán thế nào về triển vọng của Việt Nam khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch và việc tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia?

- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi nơi trên thế giới, và không may, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nền kinh tế cũng bị giáng đòn mạnh.

Tuy nhiên, Mỹ đang tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 4 triệu người mỗi ngày. Hơn 100 triệu người Mỹ, bao gồm tất cả thành viên trong gia đình tôi, đã được tiêm chủng. Cuộc sống đang trở lại bình thường và các hoạt động kinh tế dần khôi phục.

Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ phục hồi và trở lại mức trước đại dịch. Điều đó rất quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ ở ngành du lịch, vận tải, mà còn trong lĩnh vực sản xuất. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến Việt Nam để gặp gỡ đối tác và trực tiếp xem xét các dự án.

Thành thực mà nói, rất khó để bỏ tiền đầu tư vào một dự án hoặc mua một nhà máy chỉ thông qua các cuộc gọi trực tuyến. Điều đó quá khó và nguy hiểm.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Chính phủ mới để đảm bảo rằng Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, thu hút nhiều đầu tư

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Khi mọi thứ trở lại bình thường, các hoạt động đầu tư cũng sẽ được thúc đẩy. Nền kinh tế Việt Nam và phần còn lại của thế giới nhờ đó có thể trở lại đúng hướng.

Đó là lý do chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để tìm cách nới lỏng các lệnh hạn chế đối với người nước ngoài, thông qua những biện pháp như hộ chiếu vaccine, giảm thời gian cách ly...

Tất cả chúng ta đều biết rằng sức khỏe và sự an toàn của người dân Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, sự trở lại của các du khách, chuyên gia, doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng rất cần thiết đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

- Theo ông, Chính phủ mới của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình phục hồi của nền kinh tế?

- Một nền kinh tế tăng trưởng mạnh thường đi kèm các bong bóng tài sản và thậm chí lạm phát. Đó sẽ luôn là điều mà những nhà hoạch định chính sách cần theo dõi sát sao.

Khi nền kinh tế toàn cầu bật dậy từ cuộc khủng hoảng, giá cả của nhiều hàng hóa cũng leo thang. Do đó, Việt Nam có thể chứng kiến mức lạm phát cao trong năm 2021.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chứng minh khả năng kiểm soát lạm phát song song với tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi tin rằng đất nước các bạn sẽ tránh được những vấn đề như vậy. Thay vào đó, Chính phủ mới nên tập trung duy trì khả năng cạnh tranh để tận dụng mọi cơ hội và thu hút đầu tư mới.

Nhìn chung, Việt Nam đã thành công nhờ sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, những người lao động có học thức và không ngừng học hỏi. Đó là các yếu tố làm nên sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam trước đây, và sẽ tiếp tục được duy trì với Chính phủ mới.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Hiệp hội Thương mại Mỹ rất mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Chính phủ mới để tạo ra nhiều cơ hội nhất có thể, đảm bảo rằng Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, thu hút nhiều đầu tư và xây dựng một vị thế kinh tế thực sự bền vững.

Dấu ấn của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tại ‘Việt Nam thu nhỏ’

Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”. Dấu ấn về kinh tế, xã hội và tư duy đột phá là điều mà nhiều người nhớ về ông Phạm Minh Chính khi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Thảo Cao

Ảnh: Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm