Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Doanh nghiệp lớn nuốt công ty nhỏ là suy nghĩ của thế kỷ trước'

Theo chuyên gia, trước sức ép của nền kinh tế số, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có lợi thế cạnh tranh với các ông lớn. Khái niệm "cá lớn nuốt cá bé" là suy nghĩ của thế kỷ trước.

Tại hội thảo “Thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018, diễn ra ngày 1/11, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng mô hình kinh tế số với hệ thống dữ liệu mở đang trở thành xu hướng trong tương lai.

Sức ép của sự phát triển này đòi hỏi doanh nghiệp, kể cả các công ty vừa và nhỏ phải thay đổi mạnh mẽ, nhất là trong việc quản lý, vận hành phải đi từ truyền thống sang hiện đại mới có thể tồn tại và phát triển.

Đâu là lợi thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Dẫn chứng về một số doanh nghiệp vận dụng kinh tế số thành công trên thế giới như Uber, Facebook, Alibaba, Airbnb… các chuyên gia nhận định trong tương lai những mô hình thế này sẽ ngày càng nhiều và gây áp lực với các doanh nghiệp truyền thống.

Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp trước thách thức về nguồn nhân lực. Các nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey dự báo trong 15 năm tới, 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi tự động hóa.

‘Doanh nghiep lon an cong ty nho la suy nghi cua the ky truoc’,  Dien dan Kinh te so Viet Nam 2018 anh 1
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nhỏ vẫn có lợi thế cạnh tranh so với các "ông lớn". Ảnh: Hoàng Hà.

Tỷ lệ "máy móc thay con người" này ở các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước để đáp ứng yêu cầu của kinh tế số ngày càng cấp bách.

“Nhắc đến kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, câu hỏi đầu tiên thường đặt ra là liệu chỉ một số ít kẻ thắng cuộc sẽ giành phần hết, tức chỉ một số công ty công nghệ hàng đầu sẽ nắm phần lớn thị phần và không có chân có các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về điều này”, ông Hồ Tú Bảo - Giáo sư về khoa học máy tính tại Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản, nhận định.

Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia khác cho rằng trong khi các tập đoàn lớn có lực lượng nhân sự dồi dào trong việc áp dụng công nghệ thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ biết cách tận dụng những công cụ thích đáng nhất và phù hợp nhất để mang lại hiệu quả.

Ông cũng cho rằng trong trường hợp này, nếu các doanh nghiệp nhỏ biết cách vận động, biết mình là ai, lợi thế riêng là gì, cùng với sự năng động, sáng tạo sẽ giúp đột phá trong thị trường chung.

“Việc suy nghĩ các doanh nghiệp lớn nuốt các công ty nhỏ hay đòi hỏi chính phủ phải công bằng trong việc đối xử với các doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số là của hàng thế kỷ trước. Kỹ thuật số với nguồn tài nguyên thông tin mở sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh, nếu họ biết cách linh hoạt thì sẽ thắng”, Tổng giám đốc Officience - ông Hà Dương Đức, khẳng định.

Bên cạnh công nghệ, theo chuyên gia, các doanh nghiệp đừng quên thu hút nhân lực ở lĩnh vực này. Người lao động am hiểu về thông tin dữ liệu, trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.

Giám đốc điều hành của Học viện Intek kỳ vọng trong lương lai, mạng lưới đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực kinh tế số của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn, trở thành “con hổ của khu vực”.

Kỳ vọng kinh tế số nhưng cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế

Để phát triển kinh tế số, theo các chuyên gia, hệ thống cơ sở dữ liệu là quan trọng hàng đầu, nếu không có điều kiện này thì không thể thực hiện. Đồng thời, xu hướng của các nước trên thế giới là phải tận dụng, sử dụng hết kho tài nguyên dữ liệu thì mới có thể phát triển về nhiều mặt.

“Không chỉ thiếu cơ sở dữ liệu của người dân, doanh nghiệp khiến cho các thủ tục gặp nhiều rắc rối mà còn nhiều vấn đề khác. Chúng ta nói nhiều về nông nghiệp thông minh nhưng lại thiếu dữ liệu nông nghiệp quốc gia, thiếu vấn đề cung cầu thì làm sao doanh nghiệp biết để chủ động điều tiết”, Giáo sư Hồ Tú Bảo thẳng thắn nói.

‘Doanh nghiep lon an cong ty nho la suy nghi cua the ky truoc’,  Dien dan Kinh te so Viet Nam 2018 anh 2
Theo các chuyên gia, việc triển khai thực hiện kinh tế số ở Việt Nam sẽ hạn chế do hệ thống dữ liệu dùng chung chưa mạnh.

Ông cũng cho biết thêm tại nhiều quốc gia thông minh, bài toán “dữ liệu mở” cũng chưa thực sự phát huy được vai trò. Nguyên nhân là các thông tin mở này không quan trọng lắm, các doanh nghiệp chưa thể áp dụng được nhiều. Ông kiến nghị, hệ thống “dữ liệu chia sẻ” giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn.

Giải thích về hệ thống dữ liệu dùng chung chưa phát triển tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (thuộc Bộ TT&TT), cho rằng vấn đề nằm ở rào cản về pháp lý, tức có những thông tin được quyền mở và ngược lại.

Ngoài ra, ông Phúc cũng nói thêm nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu nhiều và quan trọng nhưng họ chưa đủ nguồn lực về cả tài chính lẫn con người để phổ biến kho dữ liệu này. Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong thời gian tới.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm hiện Bộ đang tập trung vào một số vấn đề then chốt, trong đó, sắp tới sẽ triển khai nền tảng 5G giúp việc giao dịch, thực hiện số hóa diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, các chính sách về thanh toán điện tử và cả đổi mới hệ thống giáo dục để đáp ứng mục tiêu này.

Thứ trưởng cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp để đáp ứng các dịch vụ công nghệ mới như Uber, Grab được hài hòa trong thời điểm này là hết sức quan trọng.

Những doanh nhân ‘siêu nhỏ, nhỏ và vừa’ trước biển lớn

Là chủ của 98% lượng doanh nghiệp, giải quyết hơn 5 triệu việc làm, nhưng những ông bà chủ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn mong manh, gặp khó khăn trên thị trường.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm