Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo về việc tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Cụ thể, VEAM có vốn điều lệ sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá.
Theo Phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt thì Nhà nước vẫn nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn và 167 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần, dự kiến Nhà nước sẽ thu về tối thiểu gần 2.400 tỷ đồng từ phiên IPO vào ngày 29/8 sắp tới. Nếu Mobifone không tiến hành cổ phần hóa trong năm 2016 thì đợt IPO của VEAM trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2014, VEAM đạt 3.325 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2013 là 2.354 tỷ đồng. Năm 2015, riêng công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng.
Lợi nhuận của VEAM không đến từ các hoạt động kinh doanh chính mà đến từ các khoản đầu tư góp vốn vào các công ty liên kết như Honda, Toyota, Ford Việt Nam.
Hiện, VEAM nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này ban đầu chỉ là 558 tỷ đồng song đến cuối năm 2014 đã tăng lên gần 8.400 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần. Ngoài ra, trong hàng chục năm qua, các liên doanh này đã trả cho VEAM cả chục nghìn tỷ đồng cổ tức.
Với việc thống lĩnh thị trường tiêu thụ xe máy trong nước, Honda Việt Nam cũng chính là đơn vị mang lại nhiều giá trị thặng dư nhất cho VEAM về giá trị khoản vốn đầu tư và tiền cổ tức hàng năm. Từ vốn đầu tư ban đầu 253 tỷ đồng nay khoản đầu tư trên đã trở thành hơn 7.100 tỷ đồng.
Năm 2015, VEAM nhận được 3.390 tỷ đồng tiền cổ tức thì có 2.677 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, và 678 tỷ từ Toyota Việt Nam.
Phiên IPO của VEAM dự kiến sẽ thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia |
Ngoài những “mỏ vàng” từ liên doanh liên kết, VEAM còn sở hữu quỹ đất rộng lớn lên tới hàng trăm nghìn mét vuông ở nhiều tỉnh trong cả nước dưới các hình thức thuê đất từ vài chục năm đến vĩnh viễn. Trong đó có nhiều mảnh đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội như 2.734 m2 tại tòa nhà VEAM tại quận Tây Hồ, 3,6 ha tại phường Yết Kiêu, Hà Đông, khu đất tại 25 Vũ Ngọc Phan…
VEAM là doanh nghiệp Nhà nước được hình thành từ năm 1990 và được thành lập lại năm 1995 với số vốn 210 tỷ đồng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế tạo động cơ và máy nông nghiệp.
Vào những năm cuối của thập niên 90, Nhà nước có chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Tận dụng được cơ hội, cộng với ưu thế về năng lực chế tạo máy, VEAM đã tiến hành góp vốn và liên doanh liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất ôtô xe máy.
Thời điểm hiện tại, VEAM có 22 công ty con, công ty liên kết, sử dụng hơn 7.000 lao động và đã sản xuất được ôtô tải mang thương hiệu VEAM Motor tại Nhà máy có công suất 33.000 xe tải một năm ở Thanh Hóa. Hiện VEAM còn tham gia cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các hãng Honda, Piaggio, Yamaha…