Kể từ ngày 6/8, Metro Manila - vùng thủ đô thuộc Philippines và là nơi sinh sống của 13 triệu người - buộc phải tuân thủ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm chống lại sự lây lan của biến chủng Delta.
Tại đây, chính phủ đã yêu cầu các nhà hàng chỉ phục vụ bán mang về, cùng với đó, dịch vụ giao hàng sẽ hoạt động một cách hạn chế. Ngoài ra, các doanh nghiệp như thẩm mỹ viện, phòng tập thể dục buộc phải đóng cửa.
Cho đến ngày 6/9, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết lệnh giãn cách nghiêm ngặt đó đã được dỡ bỏ dựa trên quy định "phong tỏa cục bộ” - quy định mới dành cho Metro Manila, bắt đầu áp dụng kể từ ngày 8/9 đến 30/9.
“Lệnh phong tỏa cục bộ sẽ được triển khai thí điểm tại Metro Manila”, ông Roque khẳng định. “Phạm vi áp dụng quy định phong tỏa cục bộ không nhất thiết phải bao quanh toàn bộ khu vực đó. Nó có thể là một ngôi nhà, con phố hay một cộng đồng dân cư”, Tổng thống Harry Roque cho hay.
Theo tổng thống Philippines, quy định phong tỏa cục bộ sẽ “được thực hiện theo đúng nghĩa đen hoàn toàn”. “Lương thực, thực phẩm sẽ được vận chuyển tới những khu vực đang áp dụng quy định giãn cách mới này”, ông nói thêm.
Lệnh phong tỏa cục bộ thí điểm tại Metro Manila cho phép các doanh nghiệp hoạt động và tuân theo một số hạn chế. Ảnh: CBN. |
Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp tại Philippines đang lên tiếng phản đối việc tiếp tục ngừng sản xuất, đình trệ hoạt động vì lệnh phong tỏa. “Nền kinh tế Philippines đang biến dạng sau nhiều đợt phong tỏa kéo dài. Trong khi đó, tốc độ lây lan của virus Covid-19 vẫn tăng lên”, Edgardo Lacson - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines - nhận định.
Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez đồng thời lên tiếng ủng hộ quyết định cấm vận có mục tiêu của chính phủ. “Dựa trên chi tiết hướng dẫn áp dụng lệnh cấm cục bộ mới, các doanh nghiệp sẽ được phép hoạt động song vẫn phải thực thi một số hạn chế”, Ramon Lopez cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế cấp cao Nicholas Antonio Mapa tại ING Bank Manila nhận xét quy định phong tỏa cục bộ mới được đưa ra trong bối cảnh “suy thoái kinh tế có nguy cơ phát triển sâu hơn thành cuộc suy thoái toàn diện”.
Tuy nhiên, ông Mapa cho rằng “cần phải xem xét liệu quy định mới có đem lại hiệu quả trong việc đưa nền kinh tế trở lại và hạn chế sức lây lan của đại dịch hay không”.
Ngày 6/9, Bộ Y tế Philippines báo cáo số ca nhiễm tại quốc gia này đạt kỷ lục với 22.415 ca/ngày - ngày thứ 4 liên tiếp có số ca nhiễm trên 20.000 ca/ngày. Số ca nhiễm trong ngày 6/9 đã nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines lên 2,1 triệu người với 34.337 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Philippines đồng thời cảnh báo mức tăng trung bình sẽ tiếp tục xuất hiện trong 7 ngày tới tại khu vực Metro Manila.