Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp hàng tiêu dùng rục rịch giảm giá bán

Trong bối cảnh sức mua chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đã bắt đầu điều chỉnh giá bán nhằm thúc đẩy tiêu thụ.

Các sản phẩm phổ biến của Acecook sẽ được giảm giá 6-11% trong 3 tháng tới. Ảnh: Acecook.

Ông Kaneda Hiroki, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, cho biết các sản phẩm mì gói nhãn hiệu Hảo Hảo xuất kho trong khoảng thời gian 1/7-30/9 sẽ được điều chỉnh giá bán khuyến nghị từ 4.500 đồng/gói xuống còn 4.000 đồng/gói.

Giá khuyến nghị cho một dòng sản phẩm khác cũng phổ biến không kém của công ty này là Phở Đệ Nhất hương vị phở bò, phở gà cũng được giảm còn 7.500 đồng/gói, thay vì 8.000 đồng/gói như hiện tại. Chính sách này được áp dụng cho các lô hàng xuất kho từ ngày 3/7 đến ngày 30/9.

"Động lực thúc đẩy chúng tôi thực hiện chương trình ưu đãi này là mong muốn góp phần giúp người dân tối ưu tài chính cá nhân", ông Kaneda Hiroki nhấn mạnh.

Theo ông, sau tác động của đại dịch và những thách thức của nền kinh tế, người tiêu dùng đang phải thích nghi với cuộc sống mới và thay đổi thái độ chi tiêu.

"Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu và thận trọng hơn với các thói quen chi tiêu thường nhật, bao gồm cả các chi tiêu thiết yếu và thực phẩm", Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho hay.

Thực tế, nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của công ty sản xuất thực phẩm ăn liền này đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Với mục tiêu 6 tháng cuối năm có thể đạt mức tăng trưởng tương đương nửa đầu năm, bên cạnh chương trình giảm giá bán mì Hảo Hảo và Phở Đệ Nhất vừa công bố, Acecook cũng dự kiến triển khai thêm nhiều chương trình khuyến mại khác.

Trong khi đó, từ đầu năm, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market... đều cho biết sức mua đã phục hồi và tăng so với năm ngoái nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu do xu hướng "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng.

Do đó, để hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM năm nay vẫn thống nhất giữ ổn định mức giá so với năm 2022. Đồng thời, hàng loạt chương trình ưu đãi lớn cũng đã được triển khai suốt những tháng qua, với ngân sách ở mức cao so với các năm trước.

Hiện tại, các hệ thống bán lẻ và một số chợ truyền thống cũng đang hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung do Sở Công Thương TP.HCM chủ trì. Đợt này có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình khuyến mại diễn ra liên tục từ ngày 15/6 đến 15/9.

Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh chương trình khuyến mại tập trung năm nay sẽ được kéo dài suốt 3 tháng thay vì 1 tháng như các năm trước, nhằm tăng sức mua, nâng tổng cầu cho thành phố trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, lực tiêu dùng yếu.

Sau nửa tháng triển khai, các chuỗi siêu thị cho biết sức mua có phần tăng khoảng 20-30% với giá trị hóa đơn bình quân đã bắt đầu tăng lên. Các thương hiệu cũng đang kỳ vọng vào cơ hội tăng doanh số trong thời gian tới.

Một thương hiệu thời trang quốc tế gần đây cũng đã điều chỉnh giá bán lẻ niêm yết tại thị trường Việt Nam, bên cạnh các chương trình khuyến mại liên tục được tung ra.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của nửa đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong khi đó, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29%. Trong đó, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, giá gạo trong nước tăng 2,39%, giá điện sinh hoạt cũng tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN.

"Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn cao", Tổng cục Thống kê nhận định.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Lạm phát đang hạ nhiệt

Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá điện sinh hoạt tăng đã kéo CPI tháng 6 đi lên, nhưng vẫn giảm đáng kể so với tháng 1.

Việt Nam là thị trường bán lẻ trọng điểm ở châu Á - Thái Bình Dương

Báo cáo của WGSN cho thấy Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhãn hàng. Trong đó, thương hiệu nội địa đang chiếm được cảm tình lớn từ người tiêu dùng.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm