Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/11, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) gồm cả đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tổng số vốn đăng ký mới đạt 14,7 tỷ USD với 3.478 dự án mới. Số này đã tăng 28% về lượng dự án nhưng lại giảm 7% về giá trị vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó, số vốn đầu tư trực tiếp thực hiện thời gian qua cũng đạt khoảng 17,6 tỷ USD, tăng gần 7%.
Trong số các ngành nghề kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản vẫn là hai ngành nhận được nhiều vốn FDI nhất, lần lượt đạt 10,3 tỷ USD (70%) và 1,4 tỷ USD (10%). Các ngành còn lại nhận được khoảng 2,9 tỷ USD, tương đương gần 20% tổng số vốn đăng ký mới từ đầu năm.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Hàn Quốc là quốc gia đăng ký rót nhiều tiền nhất vào Việt Nam từ đầu năm với hơn 2,9 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký mới. Tiếp đến là Trung Quốc đại lục với 2,28 tỷ USD, chiếm 16%.
Đáng chú ý, số vốn đầu tư từ Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi so với những năm gần đây, trung bình khoảng 1,3 tỷ USD trong 3 năm gần nhất.
Thậm chí, nếu tính chung các nhà đầu tư thuộc địa giới Trung Quốc (gồm cả Hong Kong và Đài Loan) tổng số tiền nhóm doanh nghiệp gốc Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 11 tháng đã lên tới hơn 4,9 tỷ USD. Số này chiếm 33,4% tổng vốn đăng ký cấp mới từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, số vốn đầu tư của nhóm doanh nghiệp Singapore đã đăng ký vào Việt Nam cũng là 1,95 tỷ USD (13%); Nhật Bản là 1,65 tỷ USD (11%); Xa-moa rót 570 triệu USD (4%); và Thái Lan là 557 triệu USD (gần 4%)…
Những năm trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc mới là hai quốc gia có số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất.
Việc vốn đầu tư các doanh nghiệp gốc Trung Quốc tăng đột biến vào Việt Nam có liên quan tới thương chiến Mỹ - Trung leo thang trong năm nay.
Theo đó, báo cáo kinh tế hồi giữa năm của UOB cũng chỉ ra xu hướng các công ty đa quốc gia đang di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam thay vì Trung Quốc hoặc các quốc gia khác trong khu vực.
Trong đó, nguyên nhân chính là những lo ngại về thuế xuất nhập khẩu cao đã khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc giữa chi phí di dời cơ sở sản xuất so với chi phí thuế thương mại.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia lý tưởng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu ra thế giới nhờ sở hữu vị trí chiến lược để sản xuất và phân phối hàng hóa bằng đường bộ và đường biển. So với các quốc đảo như Philippines và Indonesia, khoảng cách và thời gian di chuyển của vận tải đường biển tại Việt Nam ngắn hơn.
Ngoài ra, một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI là mức chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt khi so với Trung Quốc và Thái Lan.
Năm 2019, lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng lên khoảng 126-180 USD tùy từng vùng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu này chỉ bằng khoảng 38-54% so với Trung Quốc (hơn 330 USD/tháng), hay Thái Lan (274 USD).