Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp gỗ bắt tay phát triển rừng

Trong bối cảnh người dân miền Trung chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, các hiệp hội gỗ trên cả nước đã lên tiếng và ký cam kết phát triển ngành một cách bền vững, có trách nhiệm.

Mở đầu cuộc gặp gỡ với các hiệp hội gỗ trong nước tối 9/11, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) nhắc đến những mất mát vừa qua của người dân các tỉnh miền Trung do bão lũ.

Để khắc phục triệt để tình trạng này, ông cho rằng cần thay đổi cách ứng xử của doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và toàn xã hội nói chung với thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng.

doanh nghiep go bat tay phat trien rung anh 1

Ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ với các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ. Ảnh: L.A.

"Hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp ngành gỗ không phải là nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng. Sản phẩm ngành gỗ sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, không trực tiếp gây ra lũ lụt, lở đất.

Tuy nhiên, ngành gỗ có vai trò gián tiếp, khi nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu từ vùng rủi ro cao, vẫn được tiêu thụ nội địa", ông nói.

Vị chủ tịch Vifores nhìn nhận, các doanh nghiệp trong ngành chưa dành mối quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa và nguồn cung trong nước, đặc biệt là các diện tích rừng tự nhiên, đồng thời chưa có sự đồng cảm sâu sắc với những người dân sống bằng tài nguyên rừng.

Thực tế, cả nước hiện có 14,6 triệu ha rừng, trong đó 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 4,3 triệu ha rừng trồng. Gần 42% diện tích đất đai có rừng che phủ. Tuy nhiên, ông Lập cho rằng chất lượng rừng tự nhiên đang bị suy thoái, và những hậu quả thiên tai vừa qua đã làm "lộ thiên" tình trạng này.

Do đó, ông kêu gọi các doanh nghiệp cân bằng lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường.

Trong buổi gặp, Vifores cùng các hiệp hội gỗ địa phương ở Bình Dương (BIFA), Đồng Nai (DOWA), Bình Định (FPA), TP.HCM (HAWA), Thanh Hóa (THVifores) và các Chi hội Gỗ dán, Dăm gỗ ký cam kết phát triển ngành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm.

doanh nghiep go bat tay phat trien rung anh 2

Các hiệp hội, chi hội cam kết phát triển ngành gỗ bền vững và có trách nhiệm. Ảnh: L.A.

Cụ thể, các doanh nghiệp thành viên trong những tổ chức này cam kết thúc đẩy thị trường nội địa, tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp, ưu tiên nguồn gỗ nguyên liệu được khai thác từ các diện tích rừng được quản lý bền vững.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mở rộng liên kết với các hộ trồng rừng theo hướng sản xuất và thương mại gỗ bền vững, hài hòa về lợi ích, tạo thêm giá trị gia tăng cho các hộ trồng rừng.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, một trong những hành động đầu tiên để cụ thể hóa cam kết này là sự ra đời của quỹ "Việt Nam Xanh" vào ngày 1/12 sắp tới. Quỹ sẽ tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án phát triển rừng trồng, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường.

Vốn điều lệ dự kiến của quỹ là 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch quỹ, sau 3 ngày vận động vừa qua, quỹ đã có 4,6 tỷ đồng. Trong đó, mỗi hiệp hội đóng góp 500 triệu đồng, mỗi chi hội đóng góp 250 triệu đồng, số tiền còn lại đến từ các doanh nghiệp.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm