- Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục buổi thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.
- Mỗi đại biểu có 1 phút đặt câu hỏi, người trả lời có 3 phút cho mỗi câu hỏi. Đại biểu được tranh luận tối đa 2 lần.
-
Tập trung các vấn đề đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ
Mở đầu phiên họp buổi chiều, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đề nghị đại biểu tập trung vấn đề đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ và vấn đề chuyển tiếp từ khóa XIII đến nay. Sau kỳ họp, Nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của kỳ họp này sẽ được chuyển tiếp cho Quốc hội khóa XV theo dõi.
“Chúng ta tập trung vấn đề nào các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã thực hiện lời hứa, vấn đề nào còn khó khăn để đặt câu hỏi”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đối với những vấn đề cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay các đại biểu có thể gửi phiếu câu hỏi cho các bộ trưởng. Các bộ trường sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.
-
Chưa ban hành được nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) về chậm ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, Bộ đã xây dựng các văn bản, nghị định để cụ thể hóa các quy định của luật. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 04 năm 2019.
Còn về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia ông Tô Lâm cho biết Bộ đã dự thảo xong, đã báo cáo Thủ tướng. Nhưng ông cho biết còn Nghị định quy định chi tiết về Luật An ninh mang chưa ban hành được do một số yếu tố về đối ngoại, cũng như cân đối, xem xét để phù hợp một số quy định của quốc tế. Vì thế, Thủ tướng chưa ký, ban hành nghị định này.
“Chưa ban hành nghị định này thì chưa có căn cứ để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, đại tướng Tô Lâm nói.
-
Không hạn chế thời gian tranh tụng
Trả lời vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tòa án trong việc tỷ lệ chấp hành các bản án hành chính có tỷ lệ thấp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết việc thi hành án không phải trách nhiệm của tòa án. Việc thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của Bộ Tư Pháp, các bản án hành chính thuộc trách nhiệm của các UBND cấp tỉnh. Ủy ban có quyền ra quyết định, thay đổi, hủy bỏ bản án.
Do không có cơ quan trung gian nên tính cưỡng chế của các bản án hành chính không có, từ đó dẫn đến tỷ lệ thi hành án hành chính ở mức độ thấp.
“Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội cần tổng kết và đưa ra giải pháp căn cơ là thay đổi quy định chứ không tái diễn việc ra bản án để các bên tự thi hành”, Chánh án TAND Tối cao đề nghị.
Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ của tòa án trong các bản án hành chính là ra quyết định đúng thời hạn, đúng quy định. Trong quá trình xét xử, tòa án sẽ tạo môi trường tranh tụng thuận lợi cho các bên, tòa án không phải chủ thể tranh tụng.
“Chúng tôi quan niệm luật sư cần thực hiện đúng pháp luật trong biện luận là con đường đi đến công lý. Chúng tôi đã chỉ đạo toàn hệ thống không hạn chế thời gian tranh tụng và tất cả vấn đề trong tranh tụng cần được giải quyết tại tòa”, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
-
Không hạn chế thời gian tranh tụng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng, ông Tô Lâm khẳng định các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo quy định của pháp luật.
Tháng 10/2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 16 quy định trách nhiệm của Công an nhân dân trong tố tụng hình sự. Ông nói thông tư này đã quy định rất rõ, tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.
Năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp hơn 3.700 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước kia là 2,42% và hơn 7.000 giấy chứng nhận bào chữa.
Đề cập đến tiêu cực của một số công an cơ sở, Bộ trưởng Công an khẳng định với đại biểu Nhưỡng là “nếu có là trường hợp hết sức cá biệt”. Ông cho biết Bộ đã triển khai lực lượng lớn công an xuống cấp cơ sở từ xã, phường được nhân dân hết sức ủng hộ.
“Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý sai phạm, tiêu cực; đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh xử lý các sai phạm tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ, không bao che bất kể trường hợp nào”, ông Tô Lâm nói.
Ông cho biết một số biện pháp cụ thể là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công, nếu cán bộ vi phạm xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bộ trưởng Công an đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và các đại biểu, cử tri, nhân dân nếu phát hiện ra công an có tiêu cực trao đổi với Bộ Công an để xác minh, xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.
-
Vì sao chỉ số ICOR ở mức cao?
Sáng 6/11, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí nguồn lực để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bà cho biết đến năm 2020 được bố trí là 1.000 tỷ nhưng đến bây giờ vẫn chưa giải ngân và muốn hỏi nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2019, Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa kế hoạch vào bố trí vốn năm 2020. Đây là nguyên nhân thứ nhất khiến nguồn vốn chậm hơn các chương trình khác. Thứ hai, đặc điểm của các chương trình hỗ trợ rất đặc thù, với quy mô nhỏ và đối tượng hỗ trợ nằm ở vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận.
Việc hỗ trợ gồm giải pháp công trình và phi công trình. Với công trình thì thực hiện theo Luật Đầu tư công. Quyết định 2086 của Chính phủ hỗ trợ đồng bào dân tộc đã giải ngân 80%. Với Quyết định 2085 gồm hỗ trợ công trình và phi công trình thì cần hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc. Hướng dẫn với ban hành và đang đi vào thực thi.
Câu hỏi thứ hai mà đại biểu Hoa Ry chất vấn là việc chỉ số ICOR đang tiếp tục ở mức cao, nhất là giai đoạn 2016-2020 cao hơn giai đoạn trước. Đại biểu chất vấn giải pháp để cải thiện chất lượng đầu tư trong nhiệm kỳ tới.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ICOR chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp, để phản ánh cần bao nhiêu vốn để tạo ra một đồng tăng trưởng GDP. Chỉ số ICOR giai đoạn 2011-2015 là 6,3, đến giai đoạn 2016-2019 giảm xuống còn 6,1. Tuy nhiên đến năm 2020 thì ICOR tăng cao hơn. Bộ trưởng giải thích do ảnh hưởng của ảnh hưởng của Covid-19 và bão lũ khiến tăng trưởng GDP giảm xuống. Như vậy, để tính ICOR phải lấy GDP năm nay (đạt thấp) trừ đi GDP năm ngoái (đạt cao), trong khi tử số là vốn đầu tư không điều chỉnh. Do đó, chỉ số này có xu hướng đi lên.
“Đầu tư thì cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả, vì có độ trễ nhất định. ICOR là chỉ số để tham khảo và cần 5 năm để đánh giá hết hiệu quả”, ông trả lời.
-
63.000 tấn rác được thải ra mỗi ngày
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Dung về giải pháp thay thế chôn lấp rác thải, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho biết ông thấu hiểu bức xúc hoạt động xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở các TP lớn hiện nay.
Ông cho biết mỗi ngày đô thị nước ta thải ra 35.000 tấn chất thải rắn, nông thôn là 28.000 tấn. Ta có 381 lò đốt rác, 37 lò sản xuất phân compost, còn lại là gần 1.000 bãi chôn lấp.
Về việc chôn lấp rác, Bộ trưởng TNMT thừa nhận đây là vấn đề bức xúc, gây ô nhiễm nguồn nước, lãng phí các nguồn tài nguyên do không tái chế được và các công nghệ cũng không đạt yêu cầu.
Trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định ngay từ khi xây dựng hạ tầng, các dự án phải tính đến các bãi rác, điểm trung chuyển rác. Bộ cũng khuyến khích việc người dân phân loại, tái chế, tái sử dụng. Cùng với đó là các quy định người gây ô nhiễm phải trả tiền. Ông Hà cho biết thêm bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước, việc thu gom, xử lý rác thải trong tương lai sẽ hướng đến là dịch vụ được tiến hành đấu giá.
-
Chồng chéo trong quy định pháp luật
Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Như Hoa về vấn đề chồng chéo trong quy định pháp luật và của đại biểu Mông Văn Tình về nguyên nhân chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư Pháp, khẳng định những ý kiến nhận xét trên là chính xác.
“Dù Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã cố gắng, nhưng việc văn bản chồng chéo, hết hiệu lực, chưa phù hợp thực tế là vấn đề đang tồn tại”, ông Lê Thành Long nói.
Ông Long cho biết trong báo cáo Chính phủ mới trình Quốc hội, các số liệu cụ thể về nhóm vấn đề chồng chéo và lý do, đề xuất hướng giải quyết đã được nêu. Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là khả năng các cơ quan đề xuất, nghiên cứu luật còn hạn chế, chưa dự liệu hết các vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội và chưa xem xét kỹ đến các nội dung liên ngành.
“Một dự thảo luật khi trình không chỉ liên quan một lĩnh vực. Cụ thể như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường có liên quan mật thiết đến nhau”, Bộ trưởng Tư pháp nêu ví dụ.
Đối với nguyên nhân chủ quan, ông Long cho hay việc xây dựng luật thường gặp phải những biến động, cần cập nhật ngay như những vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Giải pháp cho vấn đề này là khi soạn thảo một đạo luật, cơ quan xây dựng cần đặt vào nhiều bối cảnh và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp nhấn mạnh một đạo luật chỉ vướng một lĩnh vực thì kéo theo một nhóm luật không thể thực hiện. Ngoài ra, các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, yếu tố con người để bồi dưỡng, đào tạo phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng luật.
Đối với tình trạng chậm ban hành văn bản, đại diện Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, dù các bộ, ngành đã cố gắng nhưng chưa kịp thời, đặc biệt đối với các luật có nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Thi hành án hình sự hay Luật Đầu tư công. Để khắc phục tình trạng, các bộ, ngành cần coi việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật là mục tiêu quan trọng, là tiêu chí đánh giá thi đua, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, khi làm luật phải làm song song các văn bản hướng dẫn, khi luật chưa chín thì chưa trình, chưa đưa vào thực hiện.
-
Facebook, Google thu hàng tỷ USD tại Việt Nam nhưng chưa đóng thuế
Trả lời câu hỏi về tin sai và tin giả tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là Facebook và YouTube.
Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Về thể chế, chúng ta đã ban hành Nghị định 15 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội; về công cụ quản lý đã nâng cấp trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Đồng thời, chúng ta có đường dây nóng của cục, sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu độc.
Về thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với Facebook, YouTube. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với 2017, của YouTube tăng 8 lần.
Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Facebook, YouTube… đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.
“Hiện nay, Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam là hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế”, Bộ trưởng Hùng nói và lấy ví dụ nếu mức phạt là 4% doanh thu, Facebook sẽ bị phạt 1 tỷ USD.
Năm 2021 sẽ có công cụ phát hiện video xấu, độc
Trả lời câu hỏi đại biểu Ngàn Phương Loan về việc kiểm soát các video xấu độc trên YouTube, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trên YouTube có 120.000 người Việt Nam đăng ký sản xuất video với 350 kênh. Những kênh này thu hút hàng triệu người theo dõi, trong đó có 15.000 kênh thu tiền chia quảng cáo.
Điểm đáng quan tâm là nhiều video xấu, độc vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện Bộ đã đạt được thỏa thuận với YouTube về tháo gỡ nội dung vi phạm pháp luật. Tỷ lệ chấp thuận tháo gỡ được tăng từ 50% các năm trước lên 90% thời gian gần đây.
“Mỗi tháng, YouTube đã phối hợp gỡ bỏ hàng nghìn video nội dung xấu, độc. Bộ Công an cũng phối hợp xử lý nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất nội dung không phù hợp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện video xấu, độc cần báo ngay qua đường dây nóng của bộ, Cục Phát thanh, truyền hình thông tin điện tử và các sở để xử lý. Thời gian tới, việc xử lý người đăng tải nội dung xấu, độc lên các trang mạng xã hội sẽ làm nghiêm.
“Chúng tôi phấn đấu để YouTube chấp thuận gỡ bỏ 100% nội dung xấu độc bị phản ánh. Ngoài ra, năm 2021, Bộ cùng các đơn vị sẽ phối hợp để phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
-
Khiếu nại, tố cáo giảm sau Luật Đất đai 2013
Trả lời câu hỏi về những bức xúc liên quan đến khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho rằng sau khi có Luật Đất đai năm 2013, đã không còn nhiều các vụ kiện cáo đông người phức tạp như trước. Các vụ kiện cáo dai dẳng chủ yếu là từ trước năm 2013, liên quan đến trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư.
“Chúng tôi khẳng định Luật 2013 vẫn còn nhiều tồn tại, nhưng nay đã giảm đi 30-40%, các vụ chủ yếu là trước 2013”, ông Hà nói.
Còn về việc tranh chấp đất đai nông, lâm, ngư trường, ông cho rằng còn tồn tại do cơ sở dữ liệu, tài liệu lỏng lẻo, các công ty nông lâm ngư trường chưa được giám sát chặt chẽ. Ông cho biết Bộ cùng với Chính phủ đang từng bước giải quyết thông qua xác lập lại cơ sở dữ liệu, xem xét thay đổi cơ cấu tổ chức các nông, lâm, ngư trường. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh nếu có cơ sở dữ liệu định giá đất đai được công khai thì sẽ giảm thiểu tranh chấp, kiện cáo phức tạp.
-
Vì sao chưa thu hồi được hàng nghìn tỷ tiền vi phạm, tài sản tham nhũng?
Lý giải việc khó khăn trong công tác thu hồi tiền vi phạm tại các bản án đã tuyên, Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long cho biết nguyên nhân khách quan do nhiều vụ án có khoản tiền vi phạm lớn nhưng không thể tìm thấy.
“Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có số tiền sai phạm hơn 15.000 tỷ nhưng đến giờ mới thu hồi 400 tỷ do khoản tiền rải rác nhiều nơi, nhiều tỉnh, chưa rõ tình trạng pháp lý. Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam dù đã cố gắng nhưng mới thu hồi được 2.000 tỷ trên 3.700 tỷ”, ông Long lấy ví dụ.
Đối với nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng trong thời gian đầu, hệ thống thi hành án còn thiếu tập trung, đôn đốc trong chỉ đạo, điều hành. Hiện, toàn ngành đã thực hiện quyết liệt, thành lập tổ công tác đến từng địa phương, chọn những vụ việc trọng tâm và xác định giải pháp.
Đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng có chỉ thị tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Ngoài ra, ông Lê Thành Long cũng thừa nhận việc theo dõi thi hành các bản án hành chính là một điểm nghẽn. Dù Quốc hội, ngành tư pháp đã cố gắng nhưng tỷ lệ thực hiện chưa như ý muốn. Lý do chính của thực trạng này là cơ chế tự thi hành của các cơ quan thi hành án hành chính. Để cải thiện, trách nhiệm của các cơ quan hành chính, Chủ tịch UBND các cấp cần quan tâm lãnh đạo sát sao, thậm chí kỷ luật nếu không thực hiện tốt.
-
Làm thế nào để tạo ra việc làm?
Trả lời một số đại biểu về việc giải quyết việc làm, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra con số từ đầu năm đến nay đã tạo ra việc làm cho khoảng 7,8 triệu lao động. Năm nay, 64% lực lượng lao động đã qua đào tạo. Ông đánh giá đây là cố gắng rất lớn.
Để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, gắn cơ sở đào tạo với sử dụng, Bộ trưởng nhấn mạnh cái gốc là phải tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp là tạo ra việc làm và tăng trưởng bền vững. Thứ hai, ông cho rằng phải đào tạo trước, trong và sau, kể cả đào tạo lại lực lượng lao động. Ngoài ra, cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông cũng chỉ ra rằng cần có dự báo về cung cầu lao động, đặc biệt là ở một số ngành, lĩnh vực.
-
"Rừng còn quan trọng hơn trời"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp về tác động của thủy điện nhỏ đến việc thiên tai, mất rừng, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh ông không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân, mà chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.
“Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời”, Bộ trưởng Hà hướng về phía đại biểu Ksor H'Bơ Khắp nói.
Ông cho biết ông hít thở khí oxy, thở ra CO2 là nhờ có rừng. Rừng còn là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho con người, rừng cho sinh thủy, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội.
Ông nhắc lại câu nói của mình tại phiên làm việc hôm qua “thủy điện không phải nguyên nhân” và cho rằng hậu quả là do con người khai thác các tài nguyên mà không dựa vào các quy luật tự nhiên. Mất rừng không có nghĩa là do thủy điện, ông Hà cho rằng mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”.
Ông cho biết Bộ TNMT và Bộ NNPTNT sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đối với những nơi nào không còn rừng mà chức năng của nó là phòng hộ thì phải phục hồi. Kết lại phần trả lời của mình, ông Hà mong đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nghe lại băng ghi âm câu trả lời của Bộ trưởng tại phiên họp hôm qua để “có sự hiểu lẫn nhau hơn”.
-
-
Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp: Bộ trưởng vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục quay lại câu hỏi chất vấn Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì. Tôi hỏi nhưng Bộ trưởng chưa trả lời”, nữ đại biểu đáp lại lời của Bộ trưởng Hà trong phần trả lời trước.
Theo đó, đại biểu cho biết đã đặt câu hỏi về việc có tiếp tục ủng hộ việc tiếp tục xây dựng thủy điện nhỏ nữa không. Nhưng Bộ trưởng Hà chưa trả lời. "Có hoặc không, chứ không có nhưng", bà Ksor H’Bơ Khăp thẳng thắn.
Thứ hai, nữ đại biểu đặt câu hỏi về việc ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Bà cho rằng những điều này liên quan đến vụ sạt lở vừa qua ở miền Trung. "Không tự nhiên mà trời mưa được, cũng không tự nhiên mà địa chất đứt gãy. Bộ trưởng có nói trong nghị trường này, rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất, thì đó chính là lý do của vụ sạt lở. Tức là cây rừng tự nhiên là đã mất đi rất lâu rồi, không có sự cải tạo đất và từ đó gây ra địa chấn về môi trường", nữ đại biểu nói.
Từ đó, bà đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc đánh giá tác động môi trường đối với những dự án, công trình này và khẳng định khâu này rõ ràng là có sự sai sót nên mới gây nên hậu quả như ngày hôm nay.
Thứ ba, bà cho biết với tư cách chuyên gia, Bộ trưởng cũng chưa trả lời về việc tham mưu cho Chính phủ. Ngoài ra, bà đặt thêm câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam. "Rõ ràng Bộ trưởng chỉ trả lời tập trung vào rừng, có lẽ vì mọi người ở đây nhìn thấy tên tôi là nghĩ tới rừng rồi. Nhưng không phải như thế", đại biểu nói.
-
Giải pháp nào để giảm thiểu tác động của thiên tai?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân, giải pháp, cách ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay đợt mưa lũ kéo dài vừa qua kết hợp với bão số 9 đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung. Phó thủ tướng thông tin thêm hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan là thách thức lớn với nhiều quốc gia, trong đó châu Á là nơi chịu đựng thiệt hại nặng nề nhất.
“Tôi quan tâm nhiều đến những nguyên nhân sạt lở đất do con người gây ra. Trong đó, vấn đề diện tích rừng bị thu hẹp là một trong những nguyên nhân chính”, ông Trịnh Đình Dũng nhận định.
Phân tích thêm về tình trạng phát triển rừng, Phó thủ tướng cho biết năm 1945, cả nước có 43% tỷ lệ bao phủ rừng, năm 1995, do tác động của chiến tranh, phát triển kinh tế Việt Nam chỉ còn 28% diện tích phủ rừng. Mặt khác, tình trạng xây dựng công trình giao thông và hạ tầng khác cản trở dòng lũ, khiến lũ dâng cao. Các trường học, bệnh viện, khu dân cư tại miền núi chưa được nghiên cứu kỹ về địa chất trong quá trình xây dựng.
Một nguyên nhân khác là do các hồ đập thủy lợi số lượng lớn hình thành. Dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các hồ đập có tác động xấu đến môi trường, đặc biệt miền núi, trung du. Một vấn đề khác là lực lượng cứu nạn, tìm kiếm chưa chuyên nghiệp, thiếu phương tiện chuyên dụng.
Đối với giải pháp trước mắt, Phó thủ tướng cho biết chúng ta cần hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, rà soát kịch bản biến đổi khí hậy làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2030, xây dựng quy hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cần gắn với quy hoạch vùng từ khâu lập dự án, quản lý dự án và vận hành khai thác.
“Các công trình giao thông, hạ tầng miền núi và hồ, đập thủy điện nhỏ cần đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tới mức tối thiểu sử dụng đất rừng và thực hiện nghiêm trồng rừng thay thế”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.