Tăng trưởng tốt, thu nhập ổn định
Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho biết, khí thế lao động toàn ngành trong những ngày đầu năm mới 2015 rất sôi nổi, do những thông tin khả quan từ kết quả tổng kết công tác năm 2014 của ngành GTVT nói chung và từng đơn vị nói riêng. Đa phần các doanh nghiệp có việc làm ổn định, giữ được mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, những doanh nghiệp sau cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới đều có doanh thu và sản lượng khá cao.
“Theo thống kê của Công đoàn GTVT, năm 2014, gần 99% người lao động có việc làm. Thu nhập bình quân toàn ngành đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,8% so với năm 2013”, ông Việt nói và cho biết, nhiều đơn vị có mức thu nhập cao, lên đến 7,5-9 triệu đồng/người/tháng như các Tổng công ty: Hàng không VN, Đầu tư phát triển Đường cao tốc VN, Quản lý bay VN, Tư vấn thiết kế GTVT, CIENCO4, các đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm VN, Viện Chiến lược và phát triển GTVT...
CBCNV ngành Giao thông những ngày cuối năm vẫn hăng say lao động trên công trường vì các đơn vị đều quan tâm đến đời sống người lao động, đặc biệt là tiền thưởng Tết. |
Cũng theo ông Việt, những đơn vị khó khăn rất lớn trước đây cũng đã bắt đầu ổn định và phát triển. Toàn bộ 8 đơn vị thành viên và công ty mẹ của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) có đủ công ăn việc làm, thu nhập ổn định, trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng, riêng Đóng tàu Sông Cấm - Bến Kiền 8 triệu đồng/người/tháng.
“Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành hầu hết đã trả lương hết tháng 12/2014, tạm ứng lương tháng 1/2015. Chỉ có một số ít đơn vị khó khăn trả lương đến tháng 11/2014 và tạm ứng lương đến tháng 12/2014. Các đơn vị đang tích cực tập trung thanh quyết toán các công trình cuối năm và chuẩn bị công tác chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Việt nói.
Tất bật lo thưởng Tết
Ông Đỗ Nga Việt cũng cho biết, do hầu hết các doanh nghiệp ngành GTVT giữ nhịp sản xuất và doanh thu tốt nên mức thưởng Tết năm nay khá cao. Về thưởng Tết Dương lịch, mức thưởng trung bình 1-3 triệu đồng/người. Với Tết Âm lịch, đến nay đã có 95% công đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch thưởng Tết và chăm lo đời sống người lao động.
“Mức thưởng đa phần cao hơn, chí ít cũng bằng năm trước, trung bình 3-7 triệu đồng/người. Nhiều đơn vị thưởng trên 10 triệu đồng/người, thậm chí trên 20 triệu đồng/người. Không ít doanh nghiệp còn có kế hoạch hỗ trợ tiền tàu xe, có công trường mua vé máy bay cho cán bộ công nhân về quê ăn Tết”, ông Việt thông tin.
Năm nay, khối các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có mức tăng trưởng cao nên thưởng Tết được xem là khá hậu. Đơn cử như CIENCO4 với doanh thu năm 2014 đạt mức kỷ lục 16.000 tỷ đồng.
Dự kiến, số tiền thưởng Tết cho người lao động của đơn vị này năm nay rất “khủng”. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết: “Năm nay chúng tôi dự kiến số tiền thưởng trên 20 triệu đồng/người, tương đương với hai tháng lương trong năm. Bình quân mỗi người lao động của CIENCO4 sẽ nhận được số tiền thưởng nhiều hơn năm ngoái 2-4 triệu”.
Với CIENCO1, ông Đào Xuân Dụ, Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp này cho biết, do năm nay doanh thu tăng, các chỉ số sản xuất kinh doanh tốt nên mức thưởng cũng khá hơn năm trước. Đối với cơ quan Tổng công ty, mức thưởng lên tới 14,5 triệu đồng/người. Còn bình quân toàn Tổng công ty khoảng 5,5 triệu đồng/người.
Dù mức thưởng Tết chưa công bố, nhưng lãnh đạo Tổng công ty Thăng Long cho biết, đã đề xuất chủ trương thưởng ba tháng lương cho người lao động khối cơ quan Tổng công ty.
Đơn vị khó khăn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là CIENCO8 nhưng vẫn tăng thưởng Tết cho người lao động. Ông Phạm Xuân Thủy, Tổng giám đốc cho biết: “Hiện tại, dự kiến trung bình mỗi người lao động CIENCO8 sẽ nhận được 5-6 triệu/người, tương tương một tháng lương, cao hơn từ 500.000 đến 1 triệu đồng so với Tết Giáp Ngọ”.
Ngay cả những đơn vị khó khăn như SBIC cũng cam kết thưởng Tết cho CBCNV xứng đáng với những nỗ lực của họ trong năm qua. |
Các doanh nghiệp đường sắt sau một năm đổi mới triệt để cũng có một năm thưởng Tết cao. Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, một số đơn vị trực thuộc có mức thưởng Tết lên tới 15 triệu đồng, cao hơn 3 triệu so với năm ngoái. “Cùng với đó, người lao động làm việc đêm, làm tăng ca, đặc biệt là trong thời gian cao điểm Tết sẽ được chi trả thêm theo quy định”.
Các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn như SBIC, Vinalines cũng đang tất bật lo thưởng Tết cho người lao động. Ông Trần Bá Thành, Chủ tịch Công đoàn SBIC cho biết, các đơn vị trong Tổng công ty đều quan tâm lo Tết cho người lao động với mức trung bình một tháng lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng. Trong đó đơn vị cao nhất 7-8 triệu đồng. Những đơn vị khó khăn nhất (thuộc địa bàn miền Trung) cũng cố gắng lo quà Tết cho người lao động khoảng 1-2 triệu đồng/người.
Điểm sáng nhất của SBIC là công ty CP đóng tàu Sông Cấm - Bến Kiền, theo ông Phạm Mạnh Hà, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, mức thưởng Tết của công ty là ba tháng lương, vào khoảng 8 triệu đồng/người.
Với Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn TCT cho biết, các đơn vị trong Tổng công ty đều có kế hoạch lo Tết cho người lao động, nhưng đến nay chưa có con số cụ thể.
Hàng không chưa công bố thưởng Tết
Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh cho biết, năm 2014 vừa qua là một năm bất lợi đối với nền kinh tế nói chung cũng như ngành vận tải hàng không nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động đó, Vietnam Airlines vẫn trụ vững và vượt qua được khó khăn. Thu nhập bình quân người lao động của Vietnam Airlines cả năm xấp xỉ 12 triệu/đồng/người/tháng.
Cũng theo ông Minh, nhìn chung, qua các năm, thu nhập bình quân của người lao động trong toàn Tổng công ty đều có sự tăng trưởng. Tới đây, Tổng công ty sẽ tính toán để có mức thưởng Tết hợp lý nhất, bảo đảm chăm lo tốt nhất đời sống người lao động.
T.B