Ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: “Phải nói rõ là doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, kinh tế Đồng Nai mới phát triển. Vì vậy chúng tôi muốn nghe doanh nghiệp nói thẳng những vướng mắc, khó khăn để tỉnh tháo gỡ”.
Ông Nguyễn Công Đoàn than vãn công ty bị mất trộm, cung cấp chứng cứ nhưng công an chưa tìm ra thủ phạm, đình chỉ điều tra. |
"Cung cấp có bằng chứng, chúng tôi xử lý ngay"
Cầm văn bản trả lời trên tay, ông Nguyễn Công Đoàn - đại diện quản lý Công ty DaiKan (KCN Amata, vốn 100% Nhật Bản) bức xúc: “Công ty bị mất trộm nhiều lần, báo đồn công an khu công nghiệp, báo cho ban quản lý khu công nghiệp 4 lần. Chúng tôi rất chờ đợi nhưng nay trả lời đình chỉ điều tra do hết thời hạn nên tôi hết sức sốc!”.
"Tránh tình trạng nhận hồ sơ rồi vài ba bữa lại nói DN thiếu cái này cái kia. Chỗ nào nhũng nhiễu, vi phạm DN cứ phản ánh cho tỉnh để chúng tôi xử lý. Chúng tôi mời DN đối thoại, nói khó khăn mà chúng tôi không tháo gỡ thì DN sẽ không đến nữa", ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Đài Loan tại Đồng Nai đã tổng hợp nhiều bức xúc của hội viên. Đó là chuyện xin cấp phù hiệu cho xe chở hàng 10 tấn trở lên.
Theo Hiệp hội, xe của DN chở hàng đi giao cho các chi nhánh tại các tỉnh và khách hàng thường bị công an giao thông kiểm tra phù hiệu xe, lập biên bản xử phạt và giam bằng lái của tài xế.
Trong khi công ty 100% vốn FDI có xe vận chuyển hàng do công ty sản xuất giao cho khách, không thuộc vận chuyển kinh doanh, đang chờ quy định của Chính phủ việc phạt hay không về phù hiệu xe.
Nếu không muốn bị lập biên bản phạt thì phải đưa tiền cà phê từ 1,5 triệu đến 3,5 triệu đồng. Đôi lúc trong một chuyến giao hàng bị phạt đến 2 lần.
Ông Vĩnh đã chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông không xử phạt các loại xe trong các trường hợp trên.
Ông cũng đề nghị các DN FDI cung cấp sớm danh sách các loại xe đang dùng để kiến nghị với Chính phủ sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc dán phù hiệu xe.
Có mặt trong buổi đối thoại, ông Neil Murphy - Phó chủ tịch phụ trách sản xuất (khu vực Đông bán cầu) của Công ty TNHH Terumo BCT VN, đặt câu hỏi: “Chính quyền sẽ phòng chống tham nhũng, cửa quyền, mãi lộ của công chức ra sao khi họ đã gây khó khăn doanh nghiệp?”.
Ông Neil Murphy - Phó chủ tịch phụ trách sản xuất (khu vực Đông bán cầu) của Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam đặt vấn đề về việc chống tham nhũng, mãi lộ. |
Ông Vĩnh cảm ơn DN và đáp ngay: “Chúng tôi khẳng định kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Chuyện mãi lộ, gây mất an toàn giao thông thì Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương đang quyết tâm xử lý việc này. Đây là quyết tâm của cả hệ thống, nhưng tôi khẳng định là chưa thể làm trăm phần trăm lúc này vì bệnh tham nhũng đang rất nặng. Các ngài cung cấp có bằng chứng chúng tôi sẽ xử lý ngay".
Một năm tiếp đoàn kiểm tra hơn 10 lần!
Tại hội nghị, DN vẫn còn kêu bị “hành” nhiều chuyện như: trạm thu phí dày đặc, hoàn thuế chậm, người nước ngoài phải mua thêm bảo hiểm ở Việt Nam, hạ tầng giao thông còn khó khăn.
Khi được tỉnh Đồng Nai đề nghị nói thật, nói thẳng, đại diện một DN FDI kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho ha, công ty đang đóng ở địa bàn Đồng Nai, có chức năng sang chai, đóng gói.
Để quản lý an toàn về hóa chất, 3 Bộ Công Thương, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT có riêng 3 thông tư, nên DN phải đi học cùng một nội dung an toàn về hóa chất… 3 lần một năm.
“Năm ngoái chúng tôi còn tiếp đoàn kiểm tra hơn 10 lần. Hết bộ này đến bộ khác. Thậm chí trong tỉnh Đồng Nai có hai đoàn vào cùng kiểm tra một nội dung phòng cháy chữa cháy!” - vị đại diện DN bức xúc.
Ông Trần văn Vĩnh nói ngay: “Trong nỗ lực cải cách hành chính, về phía tỉnh chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra DN phải gom về một đầu mối, không để kiểm tra trùng lặp làm ảnh hưởng đến DN. Riêng các bộ hay vào kiểm tra, chúng tôi sẽ ý kiến với các bộ liên quan để phối hợp với từng sở chuyên ngành để kiểm tra. Chứ không thể để bộ cũng vào rồi địa phương cũng vào kiểm tra”.
Về các phản ánh DN gặp khó khăn trong khai báo tạm trú cho chuyên gia nước ngoài, ông Nguyễn Hải Nam - Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh, giải thích: “Về mặt thủ tục xuất nhập cảnh, tất cả các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp thì chỉ cần xuất trình bản gốc cho cán bộ tiếp nhập hồ sơ đối chiếu chứ không cần công chứng”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói: “Như vậy thì phòng xuất nhập cảnh kiểm tra ngay nhân viên nào đòi bản gốc, đòi công chứng?!”.