Vui mừng vì gói 26.000 tỷ đã cắt giảm nhiều thủ tục, được vay với lãi suất 0%, bà Nguyễn Phương Thùy, Phó tổng giám đốc công ty du lịch Hanoi Tourism cho hay: "Trước 4 đợt bùng phát của đại dịch, doanh nghiệp du lịch kiệt sức hẳn, do đó công ty đang rất mong đến ngày có thể chạm tay vào gói hỗ trợ mới này".
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ vào năm ngoái, công ty bà Thùy không thể tiếp cận được do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn. Phó tổng giám đốc Hanoi Tourism cho rằng thời điểm này doanh nghiệp nào cũng hy vọng có thể sớm tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất 0% bởi bản thân các doanh nghiệp đến thời điểm này đều chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Trong Nghị quyết 68 với tổng kinh phí hỗ trợ 26.000 tỷ lần này, Chính phủ đặc biệt chú ý đến người lao động tự do, lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi, lái xe nhiều người phải nghỉ việc không lương. Ảnh: Phạm Trường. |
Bốn chính sách "tiếp sức" cho doanh nghiệp
Trước hết, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trước đó, một doanh nghiệp mỗi tháng phải đóng 0,5% trên quỹ tiền lương vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Về thủ tục hưởng chính sách này, doanh nghiệp chỉ cần đến cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách lao động đã được đóng bảo hiểm hàng tháng, sau đó phía bảo hiểm sẽ xem xét trong thời gian 2-3 ngày và ra quyết định hỗ trợ hay không.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Tuy nhiên, điều kiện tạm dừng đóng vào 2 quỹ này là doanh nghiệp phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên.
Khu Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long luôn trong tình trạng vắng khách. Ảnh: Quốc Nam. |
Theo quy định hiện hành, mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với mức 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau một năm thực hiện Nghị quyết 42, cơ quan này đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho hơn 1.800 doanh nghiệp, tương ứng 192.000 lao động với số tiền tạm dừng 786 tỷ đồng.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lần này có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% tại Ngân hàng chính sách xã hội và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động.
Để được vay, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng trong thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay dưới 12 tháng.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ở Hà Nội (vùng I) có 20 lao động, trung bình mỗi tháng công ty phải chi 120 triệu đồng trả tiền lương. Với chính sách hỗ trợ này, doanh nghiệp sẽ được vay 88 triệu đồng/tháng để trả lương cho người lao động.
"Ngóng" ngày nhận được gói hỗ trợ
Đây cũng là lần đầu tiên, gói hỗ trợ mới áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi để duy trì việc làm cho người lao động. Kinh phí trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp từ 1/7 đến hết ngày 30/6/2022.
Ông Nguyễn Quang Học, Giám đốc của một công ty vận tải hành khách, cho biết dịch Covid-19 khiến công ty ông phải cắt giảm 50% nhân công, cắt giảm chuyến vì thu không đủ chi. "Rất nhiều doanh nghiệp vận tải rất mong chờ được hướng dẫn cụ thể để nhận ưu đãi vay lãi suất 0% giúp đỡ công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn", ông nói.
Cảnh đình trệ kinh doanh tại một nhà hàng ở Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"Giờ đây quá trình nhận hỗ trợ thế nào, các thủ tục ra sao là điều mà doanh nghiệp nào cũng trông chờ", ông chia sẻ.
Trao đổi với Zing, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho biết hiện nay tất cả các doanh nghiệp đang mong chờ thành phố, cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể để làm thủ tục hưởng hỗ trợ.
Ông thấy rằng điều đáng hoan nghênh là gói hỗ trợ 26.000 tỷ này đã cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện do rút kinh nghiệm những tồn tại của gói 62.000 tỷ năm ngoái, còn các gói ưu đãi đối với doanh nghiệp vẫn như cũ không có nhiều thay đổi.
Hy vọng cơ quan chức năng đẩy nhanh thời gian triển khai càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp chịu rất nhiều thiệt hại trong 4 đợt dịch vừa qua.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
"Hy vọng cơ quan chức năng đẩy nhanh thời gian triển khai càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội chịu rất nhiều thiệt hại trong 4 đợt dịch vừa qua. Dịch bùng phát từ cuối tháng 4 nhưng đến nay đã sang tháng 7, gói ưu đãi mới được ký duyệt, như vậy là chậm trễ", Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đánh giá.
Trước đó, ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết với gói hỗ trợ 26.000 tỷ, Bộ đã yêu cầu mạnh tay cắt giảm tối đa thủ tục, khoảng 60% so với gói 62.000 tỷ để người lao động nhận được tiền hỗ trợ nhanh nhất. Các đơn vị nhất quyết không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, không để người lao động, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.
"Quyết định hướng dẫn 12 nhóm chính sách của gói 26.000 tỷ đồng dài tới 50 trang để đảm bảo chi tiết và dễ thực hiện", ông Dung cho biết.