Nhớ lại một lần sang Đài Loan học hỏi kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp nước này chỉ cần tận dụng bã từ 3 cốc cà phê và 5 chai nhựa PET là có thể kéo ra sợi đủ để sản xuất 1 chiếc áo polo.
Còn tại Việt Nam, nhiều năm qua các doanh nghiệp nước ngoài khi đặt hàng đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải đảm bảo trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm này không chỉ gói gọn trong các hoạt động từ thiện, mà còn là trách nhiệm với môi trường, người lao động, và trang phục làm ra phải "sạch" từ nguyên liệu vải.
"Các doanh nghiệp Việt Nam lẫn nước ngoài đều không có sự lựa chọn, mà phải thực hành phát triển bền vững", bà Tuyết Mai nhấn mạnh trong một buổi chia sẻ mới đây.
Doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất sợi vải làm từ lá bạc hà. Ảnh: Faslink. |
Thực tế, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Dệt may Thành Công cho biết đến nay đã làm được nhiều sản phẩm sợi tái chế từ vỏ chai, bã mía, bắp... cho các nhãn hàng New Balance, North Face, Adidas...
"Những nguyên liệu này được khách hàng đánh giá rất cao, đặc biệt thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng các sản phẩm 'xanh' này", ông nói.
Để làm được điều này, ông Tùng cho hay cách đây 6-7 năm Thành Công đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển, đứng đầu là một tiến sĩ ngành dệt may người Hàn Quốc.
Cũng nhờ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sợi vải "xanh", năm 2020 khi khách hàng Mỹ hủy đơn hàng thời trang, doanh nghiệp có thể làm ra loại vải kháng khuẩn được FDA (Mỹ) cấp chứng nhận để sản xuất khẩu trang, bù đắp doanh số.
Còn với Faslink, Tổng giám đốc Trần Hoàng Phú Xuân cho biết cũng đã đầu tư 10.000 m2 xưởng với hơn 300 thiết bị và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ trên thế giới để đón đầu xu hướng "thời trang xanh".
Mới đây, doanh nghiệp giới thiệu các bộ sưu tập thời trang sử dụng chất liệu vải làm từ sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa và sợi bạc hà.
Chia sẻ với Zing, bà Xuân cho biết đầu tư vào thời trang bền vững là câu chuyện dài hơi và cần nhiều nỗ lực cũng như tài chính. Đến nay, doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận nhiều khách hàng quốc tế.
Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, Faslink đang làm việc với các nhãn hàng lớn, có tên tuổi. "Điều này cho thấy tiềm năng trong nước đã có, với dư địa còn lớn, nên chúng tôi có thể tự tin tiếp tục theo đuổi", bà Xuân chia sẻ.
Tiến sĩ Bùi Mai Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt may (Đại học Bách Khoa TP.HCM) cũng cho biết những năm gần đây, các dự án nghiên cứu sợi vải từ vỏ đước, xơ dứa, xơ dừa... xuất hiện ngày càng nhiều trong luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Do đó, các doanh nghiệp có thể tin tưởng vào nguồn nhân lực tương lai này.
Cùng chung đánh giá này, Tổng giám đốc Faslink và Phó tổng giám đốc Thành Công đều khẳng định sẽ kết nối sâu hơn với Đại học Bách khoa TP.HCM và các đại học khác ở trong nước và trên thế giới để có thể thương mại hóa các sáng tạo có ý nghĩa của sinh viên.
Riêng tại Dệt may Thành Công, ông Tùng cho biết ở tuổi thứ 46 của doanh nghiệp, những kết quả từ sự đầu tư vào con người và máy móc, thiết bị càng được nhìn nhận rõ. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều phòng lab nhỏ, máy nhuộm và các thiết bị khác để phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm "xanh".
Theo các doanh nghiệp và hiệp hội, nếu có thể "xanh hóa" ngành dệt may Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, thì Việt Nam có thể đạt được lợi thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, ngoài "mác" nhân công giá rẻ.