VNDirect vừa có báo cáo cập nhật ngành dệt may Việt Nam nửa cuối năm. Theo đó, ngành sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, nhưng cũng có cơ hội để tăng thị phần xuất khẩu.
Nhóm phân tích nhận thấy các nhà xuất khẩu dệt may của Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ mất phần lớn đơn hàng vào tay các đối thủ như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan. Nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa hoặc hoạt động chỉ với 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm Covid-19 mới.
Theo Economic Times, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ ở Tamil Nadu và Karnataka lo ngại đơn đặt hàng của họ sẽ giảm một nửa trong 6 tháng cuối năm vì không thể gửi mẫu tới các thương hiệu thời trang để chuẩn bị bộ sưu tập mới.
Tương tự, ngành dệt may của Myanmar gặp cùng lúc 2 vấn đề lớn là số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và tình hình chính trị bất ổn từ tháng 3/2021. Số công nhân làm việc làm trong các công ty dệt may Myanmar ước tính giảm 31% trong nửa đầu năm khi các nhà máy đóng cửa.
“Các động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc”, báo cáo của VNDirect viết.
Thị phần doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tăng lên. Nguồn: VNDirect. |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực miền Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa do các công ty không thể cung cấp nguyên liệu và đảm bảo thời gian giao hàng do thiếu nguồn nhân lực.
VNDirect dự báo chi phí tăng thêm cho việc sinh hoạt và tiêm chủng Covid-19 cho nhân viên sẽ chiếm 10% chi phí quản lý doanh nghiệp của các công ty dệt may trong năm 2021.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo với kịch bản tích cực, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 cũng chỉ có thể đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ.
VITAS nhận thấy giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may khi khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động.
Các chuyên gia VNDirect tin rằng những công ty dệt may có nhà máy ở phía Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất như Vinatex, TCM và Garmex Saigon. Trong khi đó, TNG, May Sông Hồng và Gilimex có thể là những doanh nghiệp phát huy tốt nhất vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế - những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.
Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Gilimex khi chiếm khoảng 70% doanh thu xuất khẩu nửa đầu năm. TNG và May Sông Hồng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong quý II một phần nhờ các đơn hàng FOB được chuyển từ Ấn Độ và Myanmar sang Việt Nam.
Ngoài ra chi phí vận tải bằng container cũng tăng ba lần trong nửa đầu năm, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM. Nếu khả quan kiểm soát dịch vào cuối tháng 8, VITAS dự báo số lượng công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may cuối năm.
Theo thống kê của VNDirect, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn tăng 24,6% trong quý II và thậm chí cao hơn 7,4% so với mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU.
Tổng doanh thu quý II các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 22% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận ròng tăng 141,7% nhờ mức nền thấp của cùng kỳ, cải thiện danh mục sản phẩm và gia tăng đơn hàng FOB. Tuy nhiên, kết quả nửa cuối năm có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4.