Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự phát triển khối kinh tế tư nhân. Ông cho rằng cần gỡ bỏ các rào cản hơn nữa khối này ngày càng lớn mạnh hơn.
Kinh tế tư nhân được Đảng xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Đến nay, cả nước đã có 542.000 doanh nghiệp tư nhân, đóp góp quan trọng cho tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm, thu ngân sách Nhà nước.
Làm thế nào để khuyến khích hơn nữa tiềm năng của khối tư nhân, cũng như giúp nuôi dưỡng những doanh nghiệp tư nhân vươn tầm quốc tế là nội dung mà Đảng và Chính phủ ngày càng quan tâm.
Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cơ quan tham mưu giúp Đảng triển khai nghị quyết về kinh tế tư nhân vào cuộc sống, để có thêm góc nhìn về vấn đề này.
- Xin ông cho biết những kết quả quan trọng nhất sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết 10) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Ông đánh giá thế nào về tầm vóc của khối kinh tế tư nhân trong nền kinh tế hiện nay?
- Nghị quyết 10 đang đi vào cuộc sống và từng bước phát huy tác dụng tích cực, phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Trong giai đoạn 2017-2019, Nhà nước tập trung thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 10.
Đó là việc triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh (đạt trên 50%). Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, giảm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển.
Gần đây, chúng ta chứng kiến phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ chưa từng có, mỗi năm ước có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, chưa kể khoảng 30.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 1,3-1,5 triệu tỷ đồng và tạo khoảng 1,1 triệu việc làm mới.
Đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, riêng khu vực tư nhân có gần 542.000 doanh nghiệp.
Đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, đi tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ôtô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...
Vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế từng bước được nâng cao. Đến nay, kinh tế tư nhân đóng góp 42% GDP, chiếm hơn 40% tổng đầu tư toàn xã hội, hơn 83% lực lượng lao động đang làm việc.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 10 còn nhiều thách thức và nhiều vấn đề cần giải quyết.
- Việc thay đổi nhận thức về khối kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào cho sự phát triển của khối này?
- Tư duy, nhận thức của Đảng ta về vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự đổi mới, phát triển căn bản, phù hợp với thực tiễn khách quan, từ chỗ xem nhẹ đến xác định “là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đến nay, Đảng coi “là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, đồng thời khẳng định “xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân” và “kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.
Đảng thống nhất quan điểm và kiên định đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn để nuôi dưỡng, phát triển kinh tế tư nhân.
Ban Kinh tế Trung ương đã và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết 10 thông qua tổ chức triển khai nhiều hoạt động truyền thông và các sự kiện, diễn đàn quốc gia.
Từ đó góp phần thống nhất nhận thức và thúc đẩy hành động có trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tạo khí thế phấn khởi, tinh thần lạc quan cho phong trào khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và lấy doanh nghiệp, doanh nhân làm trung tâm, Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, VCCI, VTV triển khai Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đến 31/12.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để ngày càng có nhiều doanh nghiệp vươn tầm khu vực, thế giới?
Nghị quyết 10 đã khẳng định khuyến khích và tạo tiền đề hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô lớn, tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Để phát triển được các doanh nghiệp vươn tầm khu vực và thế giới, cần triển khai một số vấn đề.
Thứ nhất, doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển nhanh, bền vững với tầm nhìn đột phá và khát vọng liên tục vươn lên vị trí hàng đầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân. Phải hình thành đội ngũ doanh nhân có đức, có tài, trí tuệ và bản lĩnh, đặc biệt là có ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội, điều kiện hiện thực hóa khát vọng.
- Trong thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương có rất nhiều nỗ lực để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt là dấu ấn tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân. Tại diễn đàn, Ban nhận được những kiến nghị gì từ cộng đồng doanh nghiệp về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh? Những vấn đề nào mà doanh nghiệp có nhiều ý kiến nhất?
- Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân hồi tháng 5/2019 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền và nhìn lại sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10. Diễn đàn cũng tạo cơ hội cho đối thoại công - tư một cách thẳng thắn, thực chất.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề, tập trung chủ yếu vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về các quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản thị trường.
Doanh nghiệp cũng mong muốn tạo điều kiện tham gia thị trường và có nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa, tiếp cận tài chính, vốn, đất đai và phát triển hạ tầng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, giảm chi phí kinh doanh, phát triển du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
- Trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 sẽ tiếp tục với những nhiệm vụ trọng tâm gì để kinh tế tư nhân đóng góp lớn hơn nữa cho nền kinh tế?
- Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân như đã nêu tại Nghị quyết 10, theo tôi chúng ta cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường thống nhất nhận thức, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và xã hội về phát triển kinh tế tư nhân. Tạo niềm tin vững chắc của doanh nghiệp đối với các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, tập trung thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được tham gia và giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.
Thứ ba, cần tạo bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.
Chúng ta cần mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thuận lợi hóa thương mại và giảm chi phí trung gian (chính thức, phi chính thức).
Thứ tư, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thiết thực, hiệu quả theo cơ chế thị trường, vừa trú trọng các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vừa tập trung xây dựng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân.
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Trọng tâm là tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.