Ngày 10/8, lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe doanh nghiệp hiến kế xử lý các bãi chôn rác đã đóng cửa trên địa bàn để tận dụng quỹ đất phát triển đô thị.
Phía doanh nghiệp mong muốn sau khi xử lý rác sẽ được phép xây khu đô thị. Tuy nhiên, lãnh đạo TP không đồng ý đề xuất này và khẳng định quy hoạch là việc của cơ quan quản lý nhà nước.
Đề xuất xây dựng khu đô thị trên bãi rác cũ
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết TP có 3 bãi chôn lấp đã đóng cửa, có thể khai thác, xử lý để giải phóng đất, phát triển đô thị gồm: bãi Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) có diện tích chôn lấp 20 ha, Gò Cát (quận Bình Tân) là 17,5 ha và bãi Phước Hiệp (huyện Củ Chi) rộng 48 ha.
Ba bãi chôn lấp này hiện chứa 25 triệu tấn rác. Thời gian chôn lấp đều trên 10 năm, đủ điều kiện xử lý, cải tạo để sử dụng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bãi rác Đa Phước là nơi duy nhất xử lý gần 9.000 tấn rác mỗi ngày tại TP.HCM. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đưa ra sáng kiến xử lý rác, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH EcoLand, tự tin có khả năng làm sạch bãi rác Gò Cát.
Doanh nghiệp này cho biết đã có kinh nghiệm triển khai xử lý bãi rác tương tự tại Hải Dương. Chỉ trong 11 tháng, công ty đã hoàn thành xử lý 50% lượng rác thải tại bãi rác Soi Nam (Hải Dương).
“Nếu TP phê duyệt, chúng tôi tự tin cam kết làm sạch bãi rác Gò Cát trong vòng 2 năm và xây dựng khu đô thị trong 3 năm”, đại diện doanh nghiệp khẳng định với lãnh đạo TP.HCM.
Bên cạnh việc xử lý rác, doanh nghiệp cũng đề nghị TP cho phép nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên quỹ đất dự án để đầu tư xây dựng khu đô thị. Việc quy hoạch phát triển đô thị là cơ sở tạo nguồn vốn bù đắp chi phí xử lý bãi rác và các chi phí đầu tư xây dựng bằng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chi phí khác; đồng thời, đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong quá trình thi công xây dựng, phát triển dự án.
Quy hoạch đô thị là việc của TP
Lắng nghe chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan bày tỏ ấn tượng với công nghệ và tiến độ xử lý rác tại bãi rác Soi Nam (Hải Dương). Ông Hoan mong muốn công nghệ này sớm được áp dụng tại TP.HCM
“Công nghệ nghe rất hay, lần đầu mới biết, tiến độ cũng rất nhanh, tạo niềm tin của lãnh đạo TP với doanh nghiệp. Chủ trương làm sạch bãi rác TP đã có nhưng quận Bình Tân chậm có đề xuất”, vị Phó chủ tịch cho hay.
Trước đề xuất nghiên cứu quy hoạch kết hợp chỉnh trang đô thị của doanh nghiệp, ông Hoan khẳng định quan điểm của TP là tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư nhưng ưu tiên trước nhất là xử lý bãi rác thành công, không ảnh hưởng tới môi trường.
Về việc quy hoạch khu đô thị cho khu đất trên, ông Hoan cho biết đây là trách nhiệm của TP.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trách nhiệm quy hoạch phải thuộc về TP, doanh nghiệp chỉ có thể tham mưu. Ảnh: Quang Huy. |
Đồng ý với nhận định của ông Hoan, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP giao doanh nghiệp xử lý 5,3 triệu tấn rác ở bãi chôn lấp Gò Cát theo tiêu chuẩn. Doanh nghiệp chủ động trong việc xử lý sản phẩm từ quá trình này để thu hồi vốn. Nhưng trách nhiệm quy hoạch là của TP, doanh nghiệp chỉ có thể tham mưu.
“Doanh nghiệp chỉ có một tham số là xử lý xong lượng rác này trong thời gian bao lâu và TP phải trả bao nhiêu tiền. Còn quy hoạch là việc của Nhà nước. TP huy động sự đóng góp sáng kiến của doanh nghiệp và người dân nhưng tiếp thu đến đâu là chuyện của TP”, ông Nhân khẳng định.
Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong vòng 3 tháng phải phối hợp với các công ty đã gửi kế hoạch đầu tư dự án, sớm có đề xuất phương án đấu thầu xử lý bãi rác với các tiêu chí cụ thể.