Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi hệ thống bán lẻ Vinmart/VinMart+, là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan), nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là hiện hữu. Đại diện Masan đề xuất một số nội dung mà bà đánh giá là khẩn thiết để chủ động ứng phó nguy cơ này.
Cải tiến "3 tại chỗ", vaccine cần tiêm ngay
Qua thực tế triển khai, doanh nghiệp nhận thấy biện pháp “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn, nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, khi có phát sinh nguồn lây bệnh, “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn, nhà máy không còn khả năng tiếp tục vận hành sản xuất.
Do vậy, đại diện Masan đề xuất Thủ tướng và lãnh đạo địa phương cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ VinMart, VinMart+ duy trì cung cấp hàng hóa trong thời dịch. |
Theo bà Phương, hiện nay, nếu một ổ lây nhiễm xuất hiện, nhà máy đó sẽ gặp khó khăn để nhanh chóng trở lại hoạt động. Việc phần lớn lực lượng lao động là F0, F1 đi điều trị hoặc cách ly sẽ gây thiếu hụt lực lượng nhân công ngay lập tức.
Vì thế, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có giải pháp để cung cấp nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời gian ngắn bằng nguồn nhân lực dự bị như: Lực lượng thanh niên xung phong, nguồn lao động từ các tỉnh thành khác tới vùng có dịch Covid-19. Bà Phương cho biết theo thống kê hiện nay, đa số F0, F1 có thể phục hồi sức khoẻ và quay trở lại làm việc sau 3-4 tuần.
Đại diện Masan cho biết hiện mới có khoảng 30% trong tổng số 40.000 lao động của tập đoàn được tiêm vaccine phòng dịch. Do vậy, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người lao động và thân nhân của họ trong khu vực nhà máy, khu công nghiệp, khu vực làm việc nguy cơ cao.
Việc tiêm vaccine một mặt để phòng chống dịch, một mặt là biện pháp tinh thần hiệu quả cho nhân viên bán hàng siêu thị, công nhân, gia đình trước nỗi lo và gánh nặng dịch bệnh. Điều này cũng góp phần giảm nguy cơ đứt gãy khả năng cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tập đoàn sản xuất, kinh doanh như Masan.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang từng bước cho phép bệnh nhân Covid-19 (F0) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Tập đoàn Masan đề xuất Bộ Y tế và chính quyền địa phương hỗ trợ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế phụ trách từng cụm nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tư vấn, kiểm soát phương án phòng dịch cùng nhà máy. Đây là giải pháp giúp nhà máy xử lý sự cố khi phát sinh F0, điều trị ban đầu và tại chỗ các trường hợp lây nhiễm nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân được cách ly hoàn toàn trong nhà máy hoặc tại các “vùng đệm” như đề xuất.
VinMart tổ chức dịch vụ đi chợ hộ cho người dân trong thời điểm giãn cách. |
Không đồng loạt đóng cửa nhà máy, kho hàng
Theo bà Phương, Masan là một trong số ít tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối và bán lẻ các loại hàng hóa thiết yếu.
Quy mô của tập đoàn hiện lên tới hơn 40.000 cán bộ công nhân viên, trên 30 nhà máy thực phẩm, trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tại hầu hết khu vực kinh tế trọng điểm. Hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thực phẩm thiết yếu của tập đoàn hiện có trên 2.500 siêu thị và cửa hàng bán lẻ VinMart/VinMart+, chiếm hơn 30% thị phần bán lẻ hiện đại của cả nước. Ngoài ra, tập đoàn có trên 200.000 điểm bán lẻ truyền thống hàng hóa thiết yếu.
Hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa thực phẩm thiết yếu của Masan chiếm hơn 30% thị phần bán lẻ hiện đại của cả nước. |
Để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đại diện Masan đề nghị không đồng loạt đóng cửa nhà máy, kho hàng, đồng thời rút ngắn nhất có thể thời gian đóng cửa nhà máy, tổng kho, điểm bán hàng hóa thiết yếu. Tập đoàn mong muốn Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hỗ trợ trong việc khử trùng, làm sạch nhà máy nếu phát sinh nguồn lây lan.
Bà Phương nhấn mạnh chuỗi cung ứng của tập đoàn luôn sẵn sàng thực hiện sự điều phối trực tiếp của Chính phủ trong việc cung ứng hàng hoá, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các vùng dịch bị phong toả. Hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối và bán lẻ của tập đoàn vẫn trụ vững trước tác động của dịch Covid-19, dù rất căng thẳng để đảm bảo điều này.
Tuy nhiên, với mong muốn góp sức cùng Chính phủ đảm bảo mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch, Tập đoàn Masan mong Chính phủ, các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ linh hoạt hơn để đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, phân phối, bán lẻ sản phẩm thực phẩm và hàng hoá thiết yếu không bị đứt gãy, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.
Bình luận